Kinh tế

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục hồi sản xuất

17:58, 20/10/2021 (GMT+7)

ĐNO - Để tháo gỡ khó khăn, các địa phương phải sớm thành lập và phát huy hiệu quả các tổ hỗ trợ doanh nghiệp, chủ động phương án phù hợp với địa phương trong thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố. 

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương về lưu thông hàng hóa, hành khách và phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 diễn ra vào chiều 20-10.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, việc hoạt động vận tải đường bộ còn nhiều quy định khó khăn, nhiều địa phương còn có quy định quá chặt chẽ; việc công bố cấp độ dịch tại các địa phương chưa kịp thời, khiến tổ chức vận tải hành khách còn lúng túng.

Bộ GTVT mong muốn Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố có kế hoạch khẩn trương tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho lái xe, nhân viên phục vụ và cán bộ, công nhân viên tại bến xe, trạm dừng nghỉ để bảo đảm nhân sự cho công tác tổ chức vận tải.

Đường bay Hà Nội - Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh chỉ được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày không đáp ứng nhu cầu hành khách giai đoạn hiện tại… Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất tăng tần suất khai thác từ sau ngày 21-10. Đường bay trục Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh tăng tần suất khai thác lên 6 chuyến khứ hồi/ngày cho mỗi đường bay; các trục bay khác tần suất tối đa 4 chuyến khứ hồi/ngày.

Theo báo cáo của thành phố Đà Nẵng, trong khoảng thời gian thực hiện cách ly xã hội theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, các nhà máy phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” với tối đa 30% số lượng lao động; có 179 dự án hoạt động với tổng số 15.075 lao động, giá trị sản phẩm công nghiệp đạt 14-30%, công suất hoạt động đạt 15-30% so với điều kiện bình thường.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố bị ảnh hướng lớn, chỉ số sản xuất công nghiệp lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 của Đà Nẵng dự kiến giảm khoảng 1,2% so với cùng kỳ 2020.

Tuy nhiên, bằng mọi nỗ lực của các cấp chính quyền cũng như doanh nghiệp, đến nay thành phố đã khôi phục lại hơn 90% số doanh nghiệp hoạt động; các đường bay đến và đi từ Đà Nẵng, đường sắt, đường bộ cũng đã kết nối với một số địa phương trên cả nước.

Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo, đẩy mạnh vai trò của tổ hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, hiện các doanh nghiệp mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa trong cả nước, nhất là trong hoạt động xuất, nhập khẩu, vận chuyển nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất công nghiệp và lưu thông hàng hóa giữa các địa phương.

Về hiệu quả tổ chức các chuyến bay trong 10 ngày qua, Chính phủ đồng ý với phương án tăng tần suất chuyến bay, tiếp tục duy trì vận tải đường sắt, đường bộ, tuy nhiên điều quan trọng là phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Hiện Chính phủ đã có các phương án chống dịch theo từng cấp độ và thống nhất trên cả nước. Các địa phương căn cứ theo phương án để có kế hoạch lưu thông hàng hóa. Chính phủ cũng xác định cần ưu tiên gỡ khó cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, có phương án phục hồi sản xuất công nghiệp, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, duy trì chuỗi giá trị, tận dụng cơ hội phục hồi thị trường.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương nếu đã phủ vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 và đang trong quá trình tiêm mũi 2, đồng thời đã cơ bản khống chế dịch bệnh thì có thể xem xét ngừng triển khai “3 tại chỗ”, vì mô hình này khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí.

Qua báo cáo từ các địa phương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, các địa phương đã có nhiều kết quả trong công tác phòng, chống dịch, song song đó là công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn, các địa phương phải sớm thành lập và phát huy hiệu quả các tổ hỗ trợ doanh nghiệp, chủ động có phương án phù hợp riêng với địa phương trong thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, tăng cường tối đa vai trò của tổ Covid cộng đồng để khoanh vùng kịp thời ngay trong khu dân cư nếu xuất hiện trở lại một số ca lây nhiễm, tránh lây lan những ổ dịch lớn, qua đó tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục hồi sản xuất kinh doanh.

THÀNH LÂN - MAI QUẾ

.