Kinh tế

Thành phố cùng ngành ngân hàng sẽ sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

08:09, 16/10/2021 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh tại tọa đàm với chủ đề “Ngành ngân hàng thành phố chủ động, tích cực cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do tác động của Covid-19” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng tổ chức sáng 15-10.

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: M. QUẾ
Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: M. QUẾ

Doanh nghiệp mong muốn thêm thời gian giãn nợ

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề gia hạn nợ và khó khăn về nguồn vốn để tái sản xuất. Bà Nguyễn Thị Tài, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Toàn Gia Phú, đại diện Hội doanh nghiệp huyện Hòa Vang cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn miễn, giảm lãi vay theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 7-9-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHHH ngày 13-3-2020 của Thống đốc NHNN Việt Nam, nhưng các ngân hàng thương mại chưa thấy hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp điều kiện để tiếp cận như thế nào. Doanh nghiệp đề xuất NHNN Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng có ý kiến với NHNN Việt Nam có chính sách gia hạn thời gian trả lãi, thời gian đáo hạn của các món vay Bên cạnh đó cần có các gói vay không thế chấp, hỗ trợ cho doanh nghiệp đã hết tài sản thế chấp, có mức tín dụng tốt trong lịch sử để bổ sung vốn lưu động...

Theo đại diện Hội Doanh nghiệp quận Liên Chiểu, các chủ trương, chính sách của ngành ngân hàng tới nay vẫn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp, đề nghị NHNN Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng có đề xuất nên cơ cấu thời gian gia hạn nợ của Đà Nẵng dài hơn cả nước, bởi thành phố bị tác động trực tiếp của Covid-19 nhiều đợt từ đầu năm 2020 đến nay.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn NHNN Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng gửi kiến nghị của hiệp hội tới NHNN Việt Nam, đó là không chuyển nhóm nợ xấu cho các doanh nghiệp chậm đóng tiền trong thời gian Đà Nẵng thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”; gia hạn thêm thời gian cơ cấu nợ của doanh nghiệp. Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị NHNN Việt Nam nên xem xét tăng lên không quá 24 tháng đối với các khoản vay trung và dài hạn, thay vì không quá 12 tháng theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN; đề nghị NHNN Việt Nam có đề xuất với Chính phủ ban hành các gói vay có lãi suất ưu đãi hoặc tái cấp vốn với lãi suất thấp cho ngân hàng thương mại để doanh nghiệp được vay với lãi suất thấp...

Doanh nghiệp mong muốn thêm thời gian giãn nợ. TRONG ẢNH: Bà Nguyễn Thị Tài, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Toàn Gia Phú (huyện Hòa Vang) nêu ý kiến tại tọa đàm.  Ảnh: M. QUẾ
Doanh nghiệp mong muốn thêm thời gian giãn nợ. TRONG ẢNH: Bà Nguyễn Thị Tài, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Toàn Gia Phú (huyện Hòa Vang) nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: M. QUẾ

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) - chi nhánh Đà Nẵng cho hay, hiện NHCSXH đã có chính sách cho vay tối đa 2 tỷ đồng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo việc làm cho người lao động, mỗi người lao động được vay 100 triệu đồng. Nếu doanh nghiệp có phương án tái sản xuất bằng việc đầu tư máy móc, linh kiện, tạo việc làm cho người lao động thì hoàn toàn có thể tiếp cận gói vay này. Bên cạnh đó, gói vay không lãi suất để trả lương cho người lao động và phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 đã bỏ 2/3 điều kiện. Nay chỉ còn điều kiện người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội nên các doanh nghiệp có thể tham khảo, nộp hồ sơ để được hỗ trợ trả lương cho người lao động.

Giám đốc NHNN Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh cho hay, đơn vị đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại xử lý linh hoạt, có phương án trao đổi với doanh nghiệp để không chuyển nhóm nợ xấu; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khôi phục kinh tế sau dịch. Đồng thời, ông Võ Minh cũng đề nghị các ngân hàng thương mại nên giúp đỡ doanh nghiệp “hết mình”; đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam về giảm lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề liên quan tới ngành ngân hàng và tiếp cận vốn vay ưu đãi, UBND thành phố đang nghiên cứu, sớm trình HĐND thành phố chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi của các lĩnh vực ưu tiên tại các ngân hàng thương mại. Hiện Quỹ Đầu tư phát triển thành phố đã mở rộng lĩnh vực cho vay với lãi suất ưu đãi, có phương án cơ cấu gia hạn nợ lên 24 tháng và UBND thành phố đang xin ý kiến của NHNN Việt Nam. Đồng thời Quỹ Đầu tư phát triển đã có tờ trình HĐND thành phố về chính sách cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để phục hồi sản xuất sau đại dịch .

Về triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ vốn lưu động đối với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề ưu tiên phục hồi sau dịch theo chủ trương của UBND thành phố, UBND thành phố đã có văn bản xin ý kiến của NHNN Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp. Thành phố cũng đã gửi hai văn bản kiến nghị NHNN Việt Nam về sửa đổi Thông tư số 14/2021/TT-NHNN theo hướng kéo dài cơ cấu nợ. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tiếp nhận và giải quyết trong thẩm quyền các kiến nghị của doanh nghiệp, nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo và kiến nghị tới các cơ quan Trung ương. Thành phố  đồng hành cùng doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, vượt qua khó khăn do Covid-19, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

MAI QUẾ

.