Cần sớm xử lý đất nông nghiệp bỏ hoang

.

Thực trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang hoặc bị chiếm dụng, xây dựng nhà trái phép từ nhiều năm nay đặt ra yêu cầu cần sớm có giải pháp xử lý dứt điểm để tránh lãng phí nguồn lực đất đai và ổn định đời sống nhân dân.

Hiện trên địa bàn thành phố còn nhiều khu đất nông nghiệp chưa được khai thác phục vụ sản xuất, gây lãng phí nguồn lực đất đai. TRONG ẢNH: Một khu đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hiện trên địa bàn thành phố còn nhiều khu đất nông nghiệp chưa được khai thác phục vụ sản xuất, gây lãng phí nguồn lực đất đai. TRONG ẢNH: Một khu đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Gặp khó vì nhiều nhà mọc lên trên đất nông nghiệp

Để giải quyết vấn đề nói trên, các sở, ban, ngành, địa phương đã đề xuất UBND thành phố phê duyệt quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch các dự án nhằm thu hồi đất các khu đất nông nghiệp để thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc triển khai thu hồi đất, giải phóng mặt bằng rất khó thực hiện vì vấp phải việc không đồng thuận của người dân, nhất là tại các dự án có nhiều nhà dân đã xây dựng trên đất nông nghiệp mà không được bố trí đất tái định cư và giá trị đền bù về đất thấp.

Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố (Sở Tài nguyên và Môi trường), điển hình là tại quận Liên Chiểu. Vào năm 2018, UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 dự án là Khu văn hóa tâm linh Đà Sơn, Trung tâm huấn luyện bóng đá và mở rộng khu dân cư Hòa Minh 5 với tổng diện tích đất nông nghiệp được thu hồi để thực hiện 3 dự án là 17,57ha.

UBND quận Liên Chiểu đã triển khai giải phóng mặt bằng, nhưng rất khó khăn vì chỉ với 250 hồ sơ kỹ thuật thửa đất mà có đến 210 ngôi nhà. Riêng dự án Trung tâm huấn luyện bóng đá có diện tích đất nông nghiệp cần thu hồi là 8,14ha với 80 hồ sơ kỹ thuật thửa đất, nhưng có đến 114  ngôi nhà đã được xây dựng. UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) đã tổ chức vận động và giải thích cụ thể, nhưng hầu hết các hộ dân không đồng ý cho các đơn vị chức năng kiểm định, đo đạc, giải tỏa để thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Nhường nhìn nhận, cách đây 15-20 năm, khu vực giải tỏa để thực hiện dự án Trung tâm huấn luyện bóng đá (phường Hòa Khánh Nam) là đất sản xuất nông nghiệp, chỉ một vài nhà dân nhưng nay có hơn 100 ngôi nhà. Khu vực tiếp giáp với Nhà máy Coca-Cola (phường Hòa Minh) cũng là vùng đất nông nghiệp rộng, thậm chí có cả một sân bóng đá, song đến nay nhiều nhà dân đã mọc lên, sân bóng đá không còn... Việc triển khai các dự án gặp khó khăn vì nhiều ngôi nhà được xây dựng trên đất nông nghiệp.

Kiên quyết thu hồi nếu không phù hợp quy hoạch

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng thông tin, tình trạng các khu đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư đã bị lấn chiếm xây dựng nhà, công trình trái phép (chủ yếu ở địa bàn quận Liên Chiểu, Thanh Khê và huyện Hòa Vang) có một phần nguyên nhân xuất phát từ các đầu nậu, môi giới, thu gom đất nông nghiệp rồi tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan Nhà nước cho phép; do địa phương buông lỏng công tác quản lý và nhận thức không đầy đủ về các quy định của pháp luật đất đai. Đặc biệt, có một số đối tượng làm giả hồ sơ gốc đất đai, nhất là xảy ra vụ án Trần Văn Thôi cùng một số đối tượng, trong đó có cả cán bộ của phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) làm 366 hồ sơ giả loại “2 lá”, “3 lá” để xác minh nguồn gốc đất, làm cơ sở xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Về mặt giải pháp, ông Tô Văn Hùng cho rằng, cần tiến hành rà soát từng khu vực, xem xét tính phù hợp của các khu dân cư với quy hoạch đất ở theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng. Đối với các khu đất phù hợp với quy hoạch đất ở và bảo đảm các điều kiện về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật có thể xem xét cho người dân chuyển mục đích sử dụng đất, nộp nghĩa vụ thuế và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng phải xử lý vi phạm hành chính do hành vi xây nhà trái phép theo quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, việc này phải rất thận trọng, vì sẽ có nguy cơ hợp thực hóa sai phạm và tiếp tục mở đường cho những sai phạm tiếp theo. Đối với các khu đất không phù hợp với quy hoạch đất ở thì kiên quyết thực hiện xử lý vi phạm, cưỡng chế, thu hồi đất và lập quy hoạch chi tiết, triển khai dự án theo đúng định hướng quy hoạch. Ngày 21-9-2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu có chính sách riêng đối với các diện tích đất nông nghiệp không được khai thác phục vụ sản xuất mà hiện trạng có nhà được xây dựng (tiến hành thuê đơn vị tư vấn xây dựng riêng Đề án “Xử lý đất nông nghiệp không được khai thác phục vụ sản xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã bị người dân xây dựng nhà trái phép” để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương thực hiện).

Ông Tô Văn Hùng thông tin thêm, sở đang hoàn thiện xây dựng Đề án “Đất nông nghiệp không được khai thác phục vụ sản xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 348,44ha đất nông nghiệp không được khai thác phục vụ sản xuất, trong đó, diện tích nằm ngoài quy hoạch các dự án mà không thể khôi phục sản xuất được là 58,67ha; diện tích có thể khôi phục sản xuất là 13,39ha; diện tích nằm trong dự án quy hoạch các dự án là 276,37ha.

Đối với diện tích có khả năng khôi phục sản xuất (13 khu đất), các sở, ban, ngành và địa phương đề nghị giữ nguyên mục đích sử dụng đất, sản xuất theo hiện trạng hoặc chuyển đổi định hướng và hình thức canh tác. Đối với diện tích đất nông nghiệp nằm ngoài quy hoạch các dự án mà không có khả năng khôi phục sản xuất (25 khu đất), các sở, ban, ngành, địa phương đề xuất thay đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương.

Còn đối với các thửa đất nông nghiệp không sản xuất được đang nằm trong ranh giới các đồ án quy hoạch (66 khu đất), cần giữ nguyên mục đích sử dụng đất, thực hiện giải tỏa đền bù thu hồi đất để thực hiện đầu tư xây dựng dự án; tăng cường quản lý, chống xây dựng trái phép; chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, thực hiện nhanh công tác giải tỏa đền bù, thu hồi đất... hoặc rà soát, đề xuất phương án đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án hoặc thu hồi dự án không triển khai thực hiện.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.