Hiện nay, nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào đang thiếu hụt trong khi mức giá tăng cao so với những thời điểm khác trong năm. Điều này tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối năm cũng như việc triển khai kế hoạch những tháng đầu năm 2022 của doanh nghiệp.
Sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng, ngoại trừ nguồn nguyên liệu là cao su luôn được bảo đảm do có nguồn cung 100% từ trong nước, những nguyên vật liệu khác, nhất là hóa chất các loại phụ thuộc hoàn toàn từ thị trường quốc tế, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Theo ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng, nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài trong ngành sản xuất sản phẩm cao su đang biến động mạnh. Theo đó, giá đã tăng 10-15% so với thời điểm vài tháng trước và dự báo sẽ còn dao động trong những tháng đầu năm 2022. Điều này tạo áp lực về chi phí đối với doanh nghiệp vì nguyên vật liệu đầu vào chiếm 7% trong tổng doanh thu của đơn vị.
Thủy sản cũng là lĩnh vực đang chịu sức ép “kép” khi nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào chưa kịp phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng do dịch bệnh kéo dài, việc giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển nguồn nguyên vật liệu từ các địa phương khác. Áp lực về nguồn nguyên liệu đầu vào khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất ở lĩnh vực này khá dè dặt trong việc đẩy công suất sản xuất lên mức tối đa, dù đã tái khởi động hoạt động sản xuất gần hai tháng nay và đang trong mùa sản xuất cao điểm cuối năm. Thiếu nguyên liệu đầu vào khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản rơi vào tình thế khó khăn trước nguy cơ không giao hàng đúng hạn, thậm chí phải bồi thường hợp đồng cho đối tác.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại thủy sản Thuận Phước cho biết, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thủy sản hiện tăng 20-30%, khiến tổng chi phí của doanh nghiệp tăng cao, thậm chí có thời điểm không đủ nguồn cung để doanh nghiệp tìm mua. Tương tự, ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu (Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, quận Sơn Trà) bày tỏ, dù đã tái khởi động hoạt động sản xuất hơn 2 tháng qua nhưng do nguồn cung nguyên liệu chưa dồi dào, mới chỉ bảo đảm được 50% so với công suất thực tế nên đơn vị chỉ ưu tiên trả đơn hàng cũ cho đối tác.
Thiếu nguồn nguyên vật liệu đầu vào khiến nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì hoạt động cầm chừng thay vì đẩy công suất lên mức tối đa. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Bắc Đẩu (Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Lý giải nguyên nhân giá nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh theo hướng tăng cao những tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp cho biết đây là tình hình chung khi giá thế giới đang trên đà tăng mạnh. Với một nền kinh tế có độ mở lớn trong hoạt động xuất, nhập khẩu, hầu hết doanh nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu như nước ta thì việc chịu tác động là điều khó tránh khỏi. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá nguyên vật liệu đầu vào sẽ có xu hướng tiếp tục tăng. Tuy nhiên, khi chuỗi cung ứng toàn cầu được nối lại, việc vận chuyển giữa các địa phương thuận lợi sẽ làm giảm áp lực tăng giá nguyên nhiên vật liệu.
Để khắc phục khó khăn do tác động từ việc giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố cho rằng các ngành chức năng cần chú trọng công tác kiểm soát giá các mặt hàng đầu vào, cải thiện hoạt động giao thông vận tải để giảm giá dịch vụ, góp phần giảm giá hàng hóa, kiềm chế đà tăng giá của nguyên vật liệu. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, bắt nhịp xu hướng hồi phục của thế giới.
Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị chủ động có giải pháp linh hoạt để thích ứng, bảo đảm giữ liền mạch hoạt động sản xuất bằng cách tăng năng suất cũng như tiết giảm các chi phí đầu vào để bù vào việc tăng giá nguyên vật liệu; đồng thời chủ động tìm kiếm nguồn cung từ nhiều nước để bảo đảm nguồn nguyên vật liệu đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ các đơn hàng đã ký kết. Các doanh nghiệp cũng cần làm tốt việc dự báo đúng tình hình để chuẩn bị nguồn cung nguyên vật liệu, có kế hoạch dự phòng, duy trì sản xuất, đạt tăng trưởng.
“Do dự báo sớm biến động về việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào nên ngay từ đầu quý 4-2021, chúng tôi đã có phương án dự trữ nguồn nguyên vật liệu bằng cách ký kết sớm đơn hàng cung ứng với đối tác cũng như mở rộng nhà cung cấp để tránh tình trạng phụ thuộc. Đến thời điểm này, công ty đã sẵn sàng được nguồn nguyên liệu cho đến hết quý 1-2022 nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh của năm 2021 (khoảng 10%) vừa tạo cơ sở để bắt tay vào thực hiện dự án tăng công suất lên 1 triệu lốp radial/năm vào tháng 1-2022”, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt cho hay. Trong thời điểm này, việc nỗ lực tự thân của doanh nghiệp vẫn là yếu tố then chốt để vượt qua khó khăn.
KHÁNH HÒA