Nâng tầm phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại

.

Tại phiên họp ngày 6-1-2022 của Ban chỉ đạo lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Hồ Kỳ Minh kết luận cần nâng tầm phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại tại thành phố.

Phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Trong ảnh: Một góc cảng Tiên Sa, nơi giao thương xuất khẩu hàng hóa đi các nước trong khu vực thời gian qua.Ảnh: P.V
Phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. TRONG ẢNH: Một góc cảng Tiên Sa, nơi giao thương xuất khẩu hàng hóa đi các nước trong khu vực thời gian qua. Ảnh: P.V

Việc xây dựng nội dung đồ án “Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 2-2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh thống nhất tích hợp một số nội dung vào đồ án.

Cụ thể, về hiện trạng và định hướng phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đối với chuyển mục đích sử dụng đất của Khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang (50,6 ha), UBND thành phố giao Sở Công Thương tổng hợp ý kiến đề xuất của UBND quận Sơn Trà, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, Sở Xây dựng để tham mưu UBND thành phố báo cáo Ban cán sự Đảng UBND thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định. Liên quan đến bổ sung các cụm công nghiệp, UBND thành phố giao Sở Công Thương làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Hòa Vang đề xuất vị trí, diện tích các cụm công nghiệp cần bổ sung, báo cáo UBND thành phố quyết định; tham mưu UBND thành phố báo cáo Ban cán sự Đảng UBND thành phố cho ý kiến về quy hoạch cụm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Cũng trong quy hoạch phát triển ngành công thương, bổ sung đánh giá mối liên hệ giữa kịch bản tăng trưởng ngành công nghiệp với quy hoạch tăng diện tích phát triển công nghiệp trên địa bàn nhằm làm rõ quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp có đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp theo kịch bản quy hoạch. Về lĩnh vực thương mại, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan đến lĩnh vực thương mại: thương mại hàng hóa (chợ truyền thống, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại…), thương mại điện tử, xuất nhập khẩu, logistics. Nêu rõ hiện trạng, quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển thương mại trên địa bàn quận, huyện, thành phố.

Phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. TRONG ẢNH: Trung tâm thương mại Vincom trên địa bàn quận Sơn Trà.  Ảnh: Q. TRANG
Phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. TRONG ẢNH: Trung tâm thương mại Vincom trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: Q. TRANG

Quy hoạch phát triển ngành công thương cũng nghiên cứu bổ sung vị trí các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ theo hướng mỗi quận, huyện quy hoạch tối thiểu 1-2 trung tâm thương mại, siêu thị; mỗi phường, xã có tối thiểu 1 chợ truyền thống; lấy ý kiến Sở Giao thông vận tải về kết nối giao thông công cộng đến các trung tâm thương mại, siêu thị nhằm phát triển đồng bộ, bổ trợ nhau.

UBND thành phố thống nhất giữ nguyên quy mô, diện tích Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng hiện hữu; đồng thời nghiên cứu bổ sung quy hoạch một trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế hạng A sau năm 2030 tại huyện Hòa Vang để đáp ứng nhu cầu, quy mô phát triển kinh tế - xã hội của thành phố với vai trò là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong tầm nhìn dài hạn.

Quy hoạch không đưa nội dung dự án Cảng cá Thọ Quang vào quy hoạch lĩnh vực thương mại mà bổ sung phát triển trung tâm logistic tại cảng Tiên Sa. Bên cạnh đó lấy ý kiến các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện liên quan về vị trí quy hoạch các bến du thuyền (dọc theo sông Hàn, vòng quanh bán đảo Sơn Trà, vị trí Công viên Đại dương cũ, vịnh Đà Nẵng, sông Cu Đê…).

Về hiện trạng và định hướng phát triển ngành thông tin và truyền thông, thành phố sẽ bố cục lại nội dung theo 5 lĩnh vực (bưu chính; viễn thông; báo chí, phát thanh truyền hình; công nghệ thông tin; thành phố thông minh, chuyển đổi số).

Theo đó, bổ sung lĩnh vực về “Thành phố thông minh, chuyển đổi số”; đồng thời rà soát, hiệu chỉnh các phần đánh giá chung về thực trạng phát triển ngành thông tin và bảo đảm khớp về nội dung, số liệu, tránh chồng chéo; bổ sung phân tích thực trạng và dự báo tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng, tỷ trọng đóng góp trong GRDP của ngành thông tin và truyền thông (là một trong 21 ngành kinh tế cấp 1).

Về giải pháp, sắp xếp lại theo các nhóm giải pháp, gồm giải pháp của thành phố thực hiện; giải pháp của tư nhân thực hiện; kiến nghị, đề xuất với Trung ương.

Về định hướng ngành viễn thông bổ sung lộ trình, kế hoạch ngầm hóa cáp viễn thông. Về danh mục các dự án đầu tư có bổ sung vào quy hoạch các nội dung trạm cáp quang biển quốc tế cập bờ số 2, các dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư đang có kế hoạch triển khai, xây dựng; các dự án khác dự kiến trong thời kỳ 2025-2030, tầm nhìn đến 2050…

Đối với bản đồ quy hoạch GIS, đề nghị tư vấn tổng hoàn thành quy hoạch thành phố trên nền GIS trên nền tổng thể chung để các sở, ban, ngành, đơn vị triển khai phương án phát triển ngành, đơn vị được thể hiện trên bản đồ quy hoạch GIS.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng chỉ đạo các nội dung quy hoạch của lĩnh vực ngành phải được nghiên cứu trong liên kết với vùng và liên kết với các ngành khác; các nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch thành phố sau khi được tư vấn hoàn thiện phải lấy ý kiến các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện liên quan.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích