Nông dân khẩn trương gieo giống lúa vụ đông xuân

.

Hiện nay, công tác phân bổ giống lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nông dân thành phố Đà Nẵng khôi phục sản xuất vụ đông xuân đã hoàn tất. Nhiều nông dân đang tích cực gieo sạ, xuống giống kịp thời vụ.

Nông dân sử dụng máy cấy lúa để sản xuất lúa hữu cơ tại thôn An Trạch, xã Hòa Tiến. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Nông dân sử dụng máy cấy lúa để sản xuất lúa hữu cơ tại thôn An Trạch, xã Hòa Tiến. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Cuối tháng 12-2021, trên địa bàn thành phố xuất hiện mưa lớn kéo dài khiến nhiều thửa ruộng mới gieo sạ lúa vụ đông xuân bị ngập sâu, gây hư hại giống và ảnh hưởng đến thời vụ. Bà Trần Thị Bê (trú xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) cho biết, mưa lớn khiến 3 sào ruộng với diện tích 1.500m2 của gia đình bị ngập úng. Ngay khi nước trong ruộng rút bớt, bà Bê tranh thủ thời gian, nhanh chóng ngâm giống để gieo sạ.

“Đầu tháng 1-2022, tôi được hỗ trợ gần 15kg giống lúa HT1. Đến nay, việc gieo sạ gần như hoàn tất. Hy vọng thời tiết thuận lợi để lúa được phát triển ổn định”, bà Trần Thị Bê nói.

Cách đó không xa, bà Ngô Thị Thiên (trú thôn Phong Nam, xã Hòa Châu) cũng đang khẩn trương cấy lại những khu vực lúa bị ảnh hưởng. Được biết, gia đình bà Thiên có khoảng 7 sào ruộng với diện tích 3.500m2. Đợt mưa vừa qua đã làm hư hại khoảng 2 sào ruộng bà đã gieo sạ. Theo bà Thiên, so với năm ngoái, lịch gieo sạ bị chậm khoảng nửa tháng do ảnh hưởng của thời tiết. Nếu thời vụ tiếp tục bị trễ, lúa chín không đồng đều sẽ gây khó khăn trong việc gặt vào cuối mùa.

Ông Ngô Văn Sinh, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) cũng cho hay: “Diện tích lúa giống của HTX bị ảnh hưởng khoảng 21,5ha. Đối với một số kênh mương bị sạt lở, chúng tôi đang khẩn trương khắc phục. HTX cũng khuyến cáo bà con diệt trừ các sinh vật gây hại sau mưa lớn như chuột, ốc bươu vàng… bằng nhiều hình thức, bảo đảm đạt kết quả sản xuất cao nhất”.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Nguyễn Văn Vân, tình trạng mưa lớn và không khí lạnh kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình gieo trồng, sản xuất nông nghiệp của nông dân trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo của Hội Nông dân thành phố, các cấp hội nông dân huyện bám sát tình hình, khuyến cáo nông dân các xã theo dõi thời tiết, thường xuyên ra đồng để kiểm tra; đồng thời, vận động nông dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại. Đối với những nơi ngập úng, nông dân cần ngâm giống gieo sạ trở lại để kịp thời vụ. Một số thửa ruộng ven sông trồng bắp, đậu phộng… cần được gieo trồng trở lại.

Được biết, sau đợt mưa vừa qua, thành phố có khoảng 1.500ha lúa bị ngập úng cần phải gieo sạ trở lại. Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã hỗ trợ thành phố 150 tấn giống lúa Hương thơm 1 (HT1) từ nguồn dự trữ quốc gia. Trong đó, huyện Hòa Vang được phân bổ 141 tấn giống lúa, quận Ngũ Hành Sơn: 5 tấn, quận Cẩm Lệ: 3,3 tấn và khối lượng còn lại được phân bổ cho nông dân quận Liên Chiểu.

Theo ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, trong vụ đông xuân này, nông dân toàn huyện gieo sạ khoảng 2.363ha lúa, chủ yếu các loại giống lúa trung, ngắn ngày cho năng suất cao như: HT1, Hà Phát 3, VNR20, ĐT100… Theo đó, từ ngày 31-12-2021 đến 2-1-2022, công tác phân bổ lúa giống hỗ trợ đến nông dân các xã đã hoàn tất. Đến nay, nông dân đang khẩn trương xuống giống, gieo sạ để kịp thời vụ.

“Bên cạnh những giống lúa chủ lực, tùy theo đặc điểm của các thửa ruộng, nông dân gieo sạ các giống khác nhau. Hiện phòng đang thống kê diện tích gieo giống tại các xã. Nhìn chung, lúa tại các cánh đồng vẫn đang phát triển tốt”, ông Lê Đình Ca cho hay.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng cũng thông tin, trong vụ sản xuất lúa đông xuân 2021-2022, nhiều sinh vật gây hại sẽ xuất hiện. Chi cục sẽ thông báo tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng trong từng đợt phát sinh và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng trừ kịp thời. Các địa phương cần quan tâm, chủ động và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật hại để bảo vệ an toàn cho sản xuất.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.