Lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu gần chạm mốc 100 USD/thùng, đánh dấu chuỗi tăng mạnh của "vàng đen" tuần thứ hai liên tiếp trong tháng 2 này.
Một cơ sở lọc dầu tại Nasiriyah, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giá dầu tăng không còn là câu chuyện mới, song đặt ra thách thức khó lường cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang chuyển mình phục hồi sau đại dịch Covid-19, kèm với đó là áp lực lạm phát, giá cả tăng và làm trầm trọng hơn những vấn đề mà thế giới đang đối mặt.
Khép lại phiên giao dịch ngày 14-2, giá dầu Brent tăng gần 3 USD, lên 96,48 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 9-2014 là 96,78 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,36 USD, lên 95,46 USD/thùng, thậm chí có lúc tăng lên đến 95,82 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 9-2014.
Xu hướng giá dầu tăng đã nhen nhóm từ năm ngoái khi các nền kinh tế mở cửa trở lại với mức tăng 50% trong năm 2021 và việc giá "vàng đen" lập đỉnh đầu năm nay không còn là điều mới mẻ. Tính riêng trong tháng 1-2022, giá dầu Brent và WTI đã lần lượt tăng 15% và 18%.
Việc giá dầu tiếp tục tăng trong tháng 2 là dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng mạnh của mặt hàng chiến lược này nhiều khả năng sẽ thống trị trên thị trường năng lượng thế giới năm 2022, thậm chí không loại trừ giá dầu sẽ vượt mốc 100 USD/thùng. Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Tarek Ek Molla nhận định: “Có thể hình dung ra được thời điểm giá dầu chạm mốc 100 USD/thùng. Đây là điều tôi không mong đợi, nhưng xu hướng giá dầu hiện nay đang hướng tới kịch bản đó”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng CH Cyprus cho rằng viễn cảnh giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng là "rất đáng sợ". Theo các chuyên gia của Bank of America, giá dầu có thể sớm vượt mốc 100 USD/thùng ngay trong quý II/2022, thậm chí có khả năng chạm mốc 120 USD/thùng nếu chính trường thế giới còn biến động. Các "đại gia" Phố Wall như Goldman Sach, JP Morgan, Morgan Stanley... đều đưa ra dự báo tương tự.
Nguyên nhân và cũng là yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường "vàng đen" là sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, kèm theo nhu cầu tăng mạnh về năng lượng, các nước trên thế giới dần nới lỏng biện pháp kiểm soát dịch và mở cửa kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát và tỷ lệ bao phủ vaccine liên tục được cải thiện. Dù biến thể Omicron vẫn tạo ra những đợt lây nhiễm mới, mô hình chung mà các nước trên thế giới đang theo đuổi là sống chung và thích ứng an toàn, linh hoạt, đồng thời giảm thiểu tối đa việc đưa ra các biện pháp hạn chế phòng dịch.
Chủ trương này đã được nhiều nước áp dụng cuối năm 2021 ngay cả khi biến thể Omicron xuất hiện và đã bước đầu cho thấy hiệu quả trong việc phục hồi hoạt động sản xuất, nối lại hoạt động đi lại trong nước và xuyên biên giới... Do kinh tế hồi phục và nhu cầu năng lượng tăng, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 11-2 nâng dự báo mức tiêu thụ dầu mỏ của thế giới trong năm nay lên 100,6 triệu thùng dầu/ngày, tăng 3,2 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó.
Yếu tố khác chi phối giá dầu là sự chênh lệch giữa sản lượng dầu thực tế của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, gọi là OPEC+, và mục tiêu do nhóm đề ra, căng thẳng về nguồn cung làm tăng nguy cơ bất ổn, tạo thêm áp lực giá cả. Theo báo cáo hằng tháng của OPEC công bố ngày 10-2, sản lượng của 13 nước thành viên đã tăng 64.000 thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 12-2021-tháng 1-2022, qua đó chỉ cung cấp tổng cộng gần 28 triệu thùng dầu/ngày. Bên cạnh đó, căng thẳng trong vấn đề Ukraine cũng như mối lo ngại bùng phát chiến sự tại khu vực này cũng phần nào khiến giá "vàng đen" lập đỉnh.
Theo dự đoán của bà Natasha Kaneva, người phụ trách chiến lược hàng hóa toàn cầu của ngân hàng JPMorgan, giá dầu có thể dễ dàng tăng lên đến 120 USD/thùng nếu hoạt động xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn do quan hệ căng thẳng với Ukraine, trong bối cảnh năng lực sản xuất dư thừa ở các khu vực khác đều đang ở mức thấp. JPMorgan cảnh báo rằng nếu lượng dầu xuất khẩu của Nga giảm một nửa, giá dầu Brent có thể sẽ tăng lên 150 USD/thùng. Mức giá dầu cao nhất từ trước đến nay được ghi nhận vào tháng 7-2008, khi giá dầu Brent chạm mức cao kỷ lục 147,5 USD/thùng.
Dĩ nhiên, giá dầu tăng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà sản xuất dầu mỏ, song điều này gây ra áp lực không nhỏ đối với đà hồi phục yếu ớt của nền kinh tế toàn cầu, làm trầm trọng thêm vấn đề về chuỗi cung ứng, đặc biệt là lạm phát khi chỉ số này đã tăng vọt từ quý IV/2021. Nghiên cứu của Bloomberg Economics cho thấy kịch bản giá dầu tăng lên mức 100 USD/thùng vào cuối tháng 2 này sẽ kéo theo lạm phát tại Mỹ và châu Âu lên 0,5% nửa cuối năm nay.
Thậm chí, JP Morgan cảnh báo về viễn cảnh tồi tệ khi tăng trưởng toàn cầu bị kìm hãm và lạm phát lên mức hơn 7% khi giá "vàng đen" chạm mốc 150 USD/thùng. Ông Peter Hooper, quan chức kỳ cựu của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), nhận định cú sốc giá dầu đang thổi phồng lo ngại lạm phát và khả năng tăng trường toàn cầu chậm lại là rất cao. Lạm phát đã tăng vọt trong năm 2021 khiến ngân hàng trung ương nhiều nước, trong đó có FED, chật vật tìm cách kiểm soát mà không làm chệch hướng phục hồi.
Dữ liệu công bố ngày 10-2 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 7,5% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong vòng 40 năm qua, thậm chí vượt mức dự báo 7,2% của giới chuyên gia. Còn tại Anh, cuối tháng 1, ngân hàng trung ương nước này công bố thống kê cho thấy lạm phát tại Anh đã tăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến, lên mức 5,4% trong tháng 12-2021, cao nhất trong vòng 30 năm qua.
Xu hướng gia tăng liên tục này đã làm lu mờ những nhận định trước đây rằng lạm phát tăng chỉ là tạm thời và sẽ sớm về mức mục tiêu 2%. Theo ông Mark Zandi - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Moody’s Analytics, giá dầu cứ tăng thêm 10 USD/thùng thì tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 0,1% vào năm sau đó. Vào thời điểm hiện nay, khó có thể dự đoán tình hình sắp tới và như đánh giá của chuyên gia tại ngân hàng HSBC, giá năng lượng tăng sẽ là đòn chí mạng đối với kinh tế toàn cầu.
Giá nhiên liệu tăng gây ra hiệu ứng domino đối với loạt hoạt động kinh tế là điều tất yếu, trong đó phải kể đến chuỗi cung ứng. Hoạt động này vốn chứng kiến sự gián đoạn từ cuối năm ngoái, nay sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, làm trì hoãn việc vận chuyển nguyên liệu thô hoặc thành phẩm. Chi phí tăng, cước vận tải và giá khí đốt tăng. Cùng với đó, giá các loại hàng hóa cũng tăng phi mã tạo ra gánh nặng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Nếu giá cả tiếp diễn đà tăng thì người dân chỉ có thể thắt chặt chi tiêu, tất yếu kéo theo xu thế giảm tiêu dùng, khiến đà tăng trưởng của các nền kinh tế có thể chậm lại, bởi tiêu dùng vốn là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Trong ngắn hạn, sẽ rất khó có thể tìm được một giải pháp toàn diện cho bài toán năng lượng toàn cầu vì đây là vấn đề mang tính lâu dài và đòi hỏi nỗ lực chung của các nước và tổ chức đa phương. Gần đây nhất, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng để ngỏ khả năng đánh giá kỹ giá năng lượng tác động thế nào đến nền kinh tế, đồng thời ra tín hiệu thắt chặt tiền tệ. Còn đối với OPEC - cơ chế đa phương có nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, trong cuộc họp chính sách diễn ra hồi tháng 11-2021, tổ chức này đã khẳng định sẽ điều chỉnh sản lượng dựa vào tình hình thực tế trên thị trường "vàng đen", thậm chí có thể điều chỉnh mức tăng vào bất kỳ thời điểm nào, nhằm đáp ứng vừa đủ nhu cầu năng lượng thế giới.
Theo Baotintuc.vn