Dầu thô có phiên tăng giá mạnh trên 8% sau khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra cảnh báo về khủng hoảng nguồn cung.
Dầu thô tăng giá sau khi xuất hiện lo ngại về khủng hoảng nguồn cung. Ảnh: Reuters |
Chốt phiên giao dịch ngày 17-3, giá dầu Brent Biển Bắc đứng ở mức 106,64 USD/thùng, tăng 8,8% so với phiên trước đó. Dầu Tây Texas (WTI) chốt phiên với mức giá 102,98 USD/thùng, tăng 8,4%. Đà tăng tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch buổi ngày 18-3. Tại thời điểm 10h00 (giờ Hà Nội), dầu Brent và WTI giao dịch ở mức giá 108,95 USD/thùng và 105,46 USD/thùng, tăng tương ứng 2,17% và 2,41% so với chốt phiên ngày 17-3.
Dầu tăng giá mạnh trở lại sau khi IEA trong ngày 17-3 đưa ra báo cáo đánh giá cập nhật thị trường dầu mỏ thế giới tháng 3-2022. “Triển vọng đứt gãy quy mô lớn đối với hoạt động khai thác dầu mỏ tại Nga đang đe dọa gây ra cú sốc nguồn cung dầu mỏ toàn cầu”, báo cáo nhận định.
Theo ước tính của IEA, kể từ tháng 4 này, khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày của Nga có thể bị ngưng cung ứng ra thị trường, khi lệnh cấm vận thẩm thấu hệ quả, khách mua hàng dè chừng nhập khẩu dầu của Nga. “Điều này tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỉ qua” – IEA cho biết.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) vẫn duy trì cam kết chỉ tăng mức sản lượng khiêm tốn 400.000 thùng/ngày. Hiện tại, chỉ có duy nhất Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) là có công suất dư thừa, có thể bù đắp tức thời nguồn cung thiếu hụt từ Nga.
Báo cáo của IEA cũng nhận định giá hàng hóa tăng cùng với các lệnh trừng phát chống Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ dầu thô trên toàn thế thế giới dự kiến giảm 1,3 triệu thùng/ngày từ quý 2 đến hết quý 4 năm 2022, về mức 99,7 triệu thùng/ngày tính cho cả năm 2022, tăng 2,1 triệu thùng/ngày so với năm 2021.
Theo Báo Tin tức