Ngăn chặn làm du lịch biến tướng trên đất sản xuất nông nghiệp

.

Sau 5 tháng thực hiện chủ trương lắp đặt, thi công công trình tạm phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp tại huyện Hòa Vang, một số hộ dân được huyện thống nhất thực hiện chủ trương nói trên, góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất và giảm diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang. Tuy nhiên, do một số trường hợp lợi dụng chủ trương này để xây dựng sai phép, làm du lịch, nghỉ dưỡng cuối tuần... nên huyện Hòa Vang triển khai các biện pháp chống trục lợi từ chủ trương này.

Một nhà kho lắp ghép trên đất nông nghiệp vượt quá diện tích cho phép tại thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý kịp thời. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một nhà kho lắp ghép trên đất nông nghiệp vượt quá diện tích cho phép tại thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý kịp thời. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Nông dân bán đất đang sản xuất

Người dân ở xã Hòa Bắc xưa nay sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nguồn thu nhập đến từ chủ yếu dựa vào việc trồng mía, đậu, hoa màu, trồng rừng… Thế nhưng, sau khi UBND thành phố có Quyết định số 487/QĐ-UBND về ban hành đề án thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2022-2025, nhiều “cò đất” đổ xô về đây “dụ” người dân bán đất nông nghiệp, đất rừng. Từ sau Tết Nguyên đán 2022, hoạt động mua bán đất nông nghiệp nơi đây diễn ra khá nhộn nhịp.

Trong vai người đi mua đất, tôi được “cò” L., (trú thôn Nam Yên) dẫn đến vạt đất trồng đậu phộng ngay suối khe Răm giới thiệu: “Lô này rộng 3 sào (mỗi sào 500m2), giá 500 triệu đồng/sào, nếu không mua nhanh, người ta mua ngay”. Thấy tôi thắc mắc người ta đang trồng đậu phộng, “cò” L. liền nói: “Ở đây đất trồng lúa, mía, đậu..., nhưng được giá người nông dân vẫn bán luôn”.

Hôm sau, tôi được “cò” V. dẫn lên xem khu đất ở thôn Lộc Mỹ. “Cò” V. cho biết, vạt đất nói trên rộng gần 10 sào, có nhiều hộ dân sở hữu. Nếu mua được thì mua hết, mỗi sào giá 300 triệu đồng.

“Từ sau Tết đến nay, giới đại gia dưới phố và các tỉnh, thành phố đổ xô về đây mua đất nhiều lắm, có người mua cả 10, 15 sào, không nhanh tay không mua được những mảnh đẹp, có mặt tiền ở sông hoặc suối”, cò V. nói. Sau khi nghe chúng tôi hỏi về thủ tục mua bán, cò V. cho biết, đất nông nghiệp, đất rừng viết giấy tay hoặc ủy quyền sử dụng chứ không tách thửa được.

Theo ghi nhận, hoạt động mua bán đất nông nghiệp, đất rừng ở Hòa Bắc diễn ra khá sôi động trong thời gian qua. Nếu trước đây, trên địa bàn xã đi đâu cũng thấy những vạt mía, những cách đồng bạt ngàn, thì nay, các khu du lịch sinh thái, quán cà phê hình thành khá nhiều. Ban đêm, điện đèn, tiếng nhạc xập xình, người dân vui chơi, ca hát vui nhộn cả một vùng trời.

Xử lý nghiêm những hành vi xây dựng sai mục đích, sai đối tượng

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Trương Thanh Nhân cho biết, việc người dân chuyển nhượng đất trồng lúa, trồng hoa màu, đất trồng cây hằng năm… trên địa bàn xã thời gian qua là có thật. Cái khó ở đây là việc người dân mua bán chỉ thực hiện qua hình thức viết giấy tay hoặc công chứng ủy quyền, nên chính quyền địa phương không ngăn chặn, xử lý được.

“Trong thời gian đến, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không tự ý mua bán các loại đất nông nghiệp, đồng thời sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi xây dựng sai mục đích, sai đối tượng diễn ra trên địa bàn xã”, ông Nhân nói.

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hòa Vang, thời gian qua, UBND các xã và Đội Kiểm tra quy tắc đô thị huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các hộ dân so với nội dung hồ sơ xin phép xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép; tiến hành xử lý, tháo dỡ ngay công trình vi phạm... Theo Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị huyện Hòa Vang Nguyễn Thanh Hùng, khi phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ tiến hành xử lý ngay trong quá trình hộ dân đang xây dựng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca thông tin, thời gian qua, có một số trường hợp lợi dụng việc xây dựng công trình tạm trên đất nông nghiệp để làm du lịch và UBND huyện đã chỉ đạo xử lý nghiêm. Riêng đối với du lịch, huyện đang từng bước triển khai Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố về thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh cho rằng, hiện nay, huyện đang điều chỉnh nội dung Công văn số 2181/UBND-KTHT vì thời gian qua, có một số hộ lợi dụng và đối phó với chủ trương xây dựng công trình tạm trên đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất. Chủ trương này rất có ý nghĩa nhưng một số hộ xin cấp phép thực hiện chủ trương lại không phải là người làm nông nghiệp, mà xây dựng xong thì giăng đèn và chuẩn bị đón khách du lịch hoặc biến tướng thành nhà nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí..., không làm sản phẩm nông nghiệp.

“Huyện đang điều chỉnh chủ trương xây dựng công trình tạm trên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất theo hướng ràng buộc kỹ càng hơn, tạo điều kiện tối đa cho hộ dân sản xuất nông nghiệp thật sự, có sản phẩm nông nghiệp thực sự. Còn các trường hợp trục lợi, biến tướng chủ trương này huyện sẽ xử lý nhanh. Người dân, tổ chức muốn làm du lịch trên đất nông nghiệp phải đăng ký với huyện để thực hiện theo Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố”, ông Phan Duy Anh nói.

NGỌC ĐOAN - HOÀNG HIỆP

15 mô hình thí điểm khai thác dịch vụ du lịch trên đất nông nghiệp

UBND thành phố vừa phê duyệt Quyết định số 487/QĐ-UBND ngày 15-2-2022 ban hành Đề án thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2022-2025, nhằm triển khai Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố.

Theo đó, có tối đa 15 mô hình trên địa bàn huyện Hòa Vang, tuân theo nguyên tắc khai thác không gian, cảnh quan sinh thái vùng sản xuất nông, lâm, nuôi trồng thủy sản để gia tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho đối tượng khách du lịch trong ngày, người dân đô thị và trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên; không thay đổi mục đích sử dụng đất, rừng; không thay đổi kết cấu và hiện trạng đất, rừng...

;
;
.
.
.
.
.