Bộ Giao thông vận tải vừa có Quyết định số 552/QĐ-BGTVT về việc công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam.
Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cái Mép (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh tư liệu: Trọng Đức/TTXVN |
Theo quyết định này, 10 bến cảng mới được bổ sung vào danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam, nâng tổng số bến cảng toàn quốc lên con số 296.
Các bến cảng mới được bổ sung gồm bến cảng Nosco thuộc cảng biển Quảng Ninh; bến cảng tổng hợp Long Sơn thuộc cảng biển Nghi Sơn; bến cảng Xăng dầu Hải Hà - Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị); bến cảng Dầu khí quốc tế Pacific Petro (tỉnhTiền Giang); bến cảng Tân cảng Giao Long (tỉnh Bến Tre); bến cảng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 (tỉnh Trà Vinh).
Bên cạnh đó, hai bến cảng thuộc cảng biển Vũng Tàu cũng được bổ sung lần này, gồm bến cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link và bến cảng Tổng hợp Cái Mép.
Tại Hải Phòng, bến cảng VIMC Đình Vũ và bến cảng chuyên dùng FGG cũng được bổ sung vào danh mục lần này. Một số khu vực cảng biển có số bến cảng lớn, gồm Hải Phòng có 52 bến, Vũng Tàu có 48 bến…
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn thực hiện quản lý, khai thác bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật, hàng năm tổ chức cập nhật, trình Bộ Giao thông vận tải công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam theo quy định.
Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông của Bộ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong tổ chức quản lý, khai thác và công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam theo quy định.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hệ thống bến cảng trải dài từ Bắc vào Nam, cảng biển Việt Nam đã và đang phát huy tốt vai trò đầu mối thông thương hàng hóa trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước.
Đánh giá tổng quan về tình hình hàng hóa tại các khu vực cảng biển trên cả nước, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, một số khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua cao như khu vực Quảng Ninh tăng 48%, từ 14,6 triệu tấn lên 21,7 triệu tấn.
Khu vực Quảng Trị tăng 38%, từ 175 nghìn tấn lên 241 nghìn tấn. Khu vực Nghệ An tăng 14%, từ 1,67 triệu tấn lên 1,9 triệu tấn. Tuy nhiên, nhiều khu vực cảng biển lại có khối lượng hàng hóa thông qua giảm như khu vực Bình Thuận giảm 38%, khu vực Cần Thơ giảm 24%, khu vực Đồng Tháp giảm 28%.
Khu vực cảng biển lớn như TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu cũng ghi nhận mức giảm nhẹ, lần lượt là 5%, tương ứng giảm 1,2 triệu tấn và 2%, giảm 396 nghìn tấn so với cùng kỳ.
Số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam vừa công bố cho thấy 3 tháng đầu năm nay, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển giữ vững đà tăng, đạt gần 180 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hàng container giữ vững đà tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 6,2 triệu Teus…
Theo Baotintuc.vn