Nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng. Do đó, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm ưu tiên nhập các sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch chất lượng cao để phục vụ khách hàng.
Người dân ngày càng quan tâm đến thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe. TRONG ẢNH: Khách mua hàng tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Tăng cửa hàng bán thực phẩm sạch
Qua số liệu thống kê của Ban quản lý An toàn thực phẩm, trên địa bàn thành phố có 213 cơ sở kinh doanh tổng hợp (gồm nông sản nói riêng, thực phẩm nói chung) và 7 cơ sở kinh doanh nông sản rau, củ, quả. Tỷ lệ người tiêu dùng đến các cửa hàng thực phẩm sạch, lựa chọn mua sản phẩm hữu cơ hay đạt chuẩn Global Gap, VietGap ngày càng tăng nên số lượng cửa hàng thực phẩm sạch mở ra nhiều.
“Thực phẩm hữu cơ trên thị trường có giá thành quá cao so với thu nhập của số đông người tiêu dùng. Tuy nhiên, không gì quan trọng bằng sức khỏe nên mấy năm trở lại đây, tôi cắt giảm nhiều nhu cầu khác để đầu tư vào bữa ăn sạch cho gia đình”, chị Khánh Phương (trú đường Nguyễn Thiện Kế, quận Sơn Trà) chia sẻ.
Nhiều người tiêu dùng như chị Phương đã chọn mua nông sản, thực phẩm có nhãn mác, thương hiệu, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm tại các hệ thống phân phối hiện đại. Theo đại diện hệ thống siêu thị tiện lợi Winmart+, hiện 150 cửa hàng của hệ thống tại thành phố đều bán sản phẩm thịt heo Meatdeli, nông sản sạch tiêu chuẩn Nhật Bản VinEco; thực phẩm công nghệ VinMart Good... Riêng nhóm thực phẩm tươi sống được kiểm soát nghiêm ngặt về nguồn gốc, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm bởi các nhà cung cấp uy tín ở các địa phương.
Bà Nguyễn Thị Nhật Thanh (quản lý cửa hàng Hoàng đế Organic, đường Lê Đại Hành, quận Cẩm Lệ) cho biết: “Thách thức lớn nhất của các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản sạch chính là làm sao tạo dựng niềm tin về chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng chấp nhận mua với giá cao. Bởi sản xuất rau, củ, quả sạch (bằng phương pháp hữu cơ - PV) sẽ mất nhiều thời gian và chi phí cao hơn. Ví dụ, sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap, người nông dân vẫn phun thuốc và được cách ly 30 ngày trước khi sử dụng. Nhưng khi sản xuất theo phương pháp hữu cơ, nhà vườn tuyệt đối không được sử dụng thuốc và phân bón vô cơ; thời gian trồng rau hữu cơ kéo dài 45 ngày, trong khi trồng bằng phương pháp truyền thống chỉ kéo dài 15-30 ngày”.
Tương tự, bà Mai Thị Thương, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Vũ Mai (tuyến đường Dương Vân Nga, quận Sơn Trà) cho hay, nguồn hàng của cửa hàng được lấy từ quê nhà và từ những vườn nông sản sạch khắp cả nước, như: vườn Chân Đất farm (tỉnh Ninh Bình), vườn rau hữu cơ Đà Lạt…
“Những sản phẩm nông sản sạch, được sản xuất đúng quy trình thì giá đầu vào chắc chắn phải cao hơn so với nông sản đại trà ngoài chợ. Bên cạnh đó, chi phí mặt bằng, trang thiết bị bảo quản sản phẩm đúng chuẩn khá tốn kém. Chưa kể, cùng là sản phẩm sạch, nhưng sản phẩm đã qua quy trình xác lập thương hiệu sẽ có giá khác sản phẩm chưa được xác lập thương hiệu”, bà Thương nói.
Cần sự giám sát liên tục của cơ quan chức năng
“Mặc dù chấp nhận bỏ số tiền lớn để mua thực phẩm sạch nhưng đôi lúc tôi vẫn có chút băn khoăn, không biết chắc được thứ mình mua có an toàn hay không. Chưa kể, thỉnh thoảng tôi còn nghe thông tin, các cơ sở kinh doanh chỉ xin cấp giấy chứng nhận an toàn (ví dụ VietGap, GlobalGap) 1 lần rồi dùng cho tất cả các sản phẩm tại cửa hàng nên cũng khá lo lắng, không biết thực hư thế nào”, chị Khánh Phương bày tỏ.
Trước lo lắng chính đáng của người tiêu dùng, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố cho biết, giấy chứng nhận VietGAP được tổ chức chứng nhận VietGAP cấp cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm được sản xuất phù hợp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và có giá trị trong vòng 2 năm. Thời gian qua, Ban quản lý thường xuyên tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra tại các cửa hàng kinh doanh về nhãn sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, giấy chứng nhận VietGap nếu là sản phẩm VietGap; giấy chứng sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ… Ngoài ra, cán bộ Ban quản lý lấy mẫu hậu kiểm đối với các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; triển khai các đợt kiểm tra theo chuyên đề tập trung vào từng sản phẩm, đánh giá đúng thực trạng, đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý.
“Người tiêu dùng cần mạnh dạn tố giác hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm bẩn đến cơ quan chức năng, góp phần đẩy lùi nguồn thực phẩm bẩn bày bán ra thị trường. Mặt khác, khách hàng nên tìm mua những sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn như VietGap, GlobalGap, GMP, HACCP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ… Các sản phẩm có dán tem mã vạch 1D hoặc 2D; đối với thực phẩm thì mã vạch QR Code được sử dụng thông dụng và tải phần mềm quét mã vạch ứng dụng cho điện thoại (Mobile app) để tra cứu thông tin về sản phẩm như vùng trồng, quy trình sản xuất sản phẩm khi mua hàng”, ông Nguyễn Tấn Hải khuyến cáo.
Nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm từ ngày 15-4 đến 15-5, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố tập trung triển khai kế hoạch về kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm hữu cơ trên địa bàn. Đây là thời điểm cao điểm trong năm nhằm phát động “chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng an toàn thực phẩm”, tạo bước đột phá, sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật về kinh doanh thực phẩm.
QUỲNH TRANG