PCI 2021: Đà Nẵng có nhiều cải thiện môi trường kinh doanh

.

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam (PCI) năm 2021 công bố ngày 27-4, Đà Nẵng đứng thứ 4 toàn quốc với 70,42 điểm. Các doanh nghiệp cho rằng, môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố vẫn còn dư địa để tiếp tục cải thiện để tạo sức hút mới cho làn sóng đầu tư trong thời gian đến.

Để cải thiện PCI, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thành phố tăng cường cải cách hành chính, thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả. TRONG ẢNH: Công nhân đang vận chuyển hàng tại Công ty CP Vận tải và thuê tàu Đà Nẵng Vfracht (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ). Ảnh: M.QUẾ
Để cải thiện PCI, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thành phố tăng cường cải cách hành chính, thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả. TRONG ẢNH: Công nhân đang vận chuyển hàng tại Công ty CP Vận tải và thuê tàu Đà Nẵng Vfracht (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ). Ảnh: M.QUẾ

Nhiều chỉ số đạt điểm cao nhất trong 5 năm qua

Theo báo cáo PCI năm 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, Đà Nẵng đứng thứ 4 cả nước với điểm số 70,42/100, thuộc nhóm “Tốt”. Như vậy, sau 3 năm liên tiếp đứng vị trí thứ 5, năm nay Đà Nẵng đã tăng một bậc với điểm số cao nhất trong 5 năm qua.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong tổ khảo sát của VCCI và USAID, Đà Nẵng là một trong những địa phương có sự ổn định nhất về kết quả chất lượng đánh giá năng lực điều hành kinh tế thời gian qua. Bên cạnh các giải pháp cải cách thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên, thành phố đã thành lập các tổ công tác liên ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư xây dựng. Các tổ công tác liên ngành này giúp nắm bắt nhanh chóng các vấn đề của doanh nghiệp, từ đó giúp chính quyền thành phố có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Các tổ công tác cũng hỗ trợ tích cực trong việc thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, năm nay Đà Nẵng có 5 chỉ số đạt điểm cao nhất trong vòng 5 năm qua, gồm: Tiếp cận đất đai (7,51/10 điểm, xếp thứ 10); Chi phí không chính thức (7,29/10 điểm, xếp thứ 23); Tính năng động của chính quyền tỉnh (7,01/10 điểm, xếp thứ 26); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (7,57/10 điểm, xếp thứ 9); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7,33/10 điểm, xếp thứ 24).

Đặc biệt, chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự năm 2021 của Đà Nẵng đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu xếp hạng PCI (năm 2006); còn chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021 đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 đến nay, tăng 1,25 điểm so với năm 2020. Tuy vậy, ở chỉ số Gia nhập thị trường, Đà Nẵng ghi nhận sự giảm mạnh so với năm 2020 (từ 8,75/10 điểm còn 6,94/10 điểm, xếp thứ 30). Đây cũng là số điểm thấp nhất của thành phố ở chỉ số này từ năm 2006 đến nay. Điểm số ở chỉ số Tính minh bạch (6,3/10 điểm, xếp thứ 16) tăng so với năm 2020, song vẫn ở mức thấp thứ 2 kể từ năm 2006. Điểm Chi phí thời gian giảm đáng kể so với năm 2020 (từ 8,62/10 điểm còn 7,46/10 điểm, xếp thứ 32). Điểm Cạnh tranh bình đẳng (5,92/10, xếp thứ 35) cũng lần đầu tiên đi xuống sau 3 năm liên tiếp đi lên (2018-2020). Điểm Đào tạo lao động (7,15/10) đang ở mức thấp nhất từ năm 2014 đến nay, dù vẫn xếp thứ 4 toàn quốc.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cùng Bình Dương và Quảng Ninh được đánh giá là có cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam trong năm 2021, cũng là một trong những địa phương thường đứng đầu xếp hạng chỉ số Cơ sở hạ tầng nhiều năm qua. Chỉ số này bao gồm 4 chỉ số thành phần: các khu/cụm công nghiệp; đường bộ; điện năng; viễn thông và các hạ tầng khác.

Tuy nhiên, chỉ số này không được đo lường trong chỉ số PCI tổng hợp để bảo đảm công bằng cho các địa phương ở những vị trí địa lý khác nhau, cũng như khuyến khích việc phối hợp liên vùng để cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý, trong lần hiệu chỉnh phương pháp luận PCI năm nay, 2 chỉ số thành phần: Cạnh tranh bình đẳng và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đã được đổi mới, chỉ số Gia nhập thị trường được bổ sung nội dung đánh giá về thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, chỉ số Chi phí thời gian được bổ sung một số nội dung liên quan đến việc giải quyết thủ tục trực tuyến.

Tăng cường cải cách hành chính

Ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Đà Nẵng nhận định, điểm số PCI 2021 của Đà Nẵng tăng 0,3 điểm so với PCI 2020 và thứ hạng tăng 1 bậc, đây là một thông tin tích cực. Trong 10 chỉ số thành phần PCI 2021, Đà Nẵng tăng điểm 6 chỉ số và giảm điểm 4 chỉ số so với PCI 2020. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ từng chỉ số tăng điểm, có thể thấy các chỉ số vẫn ở vị trí không cao so với các tỉnh, thành phố khác.

Như vậy, Đà Nẵng có cải thiện chỉ số, nhưng mức độ cải thiện không nhiều. Điểm sáng nhất của PCI 2021 với Đà Nẵng là chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng 1,25 điểm so với PCI 2020, thể hiện chất lượng môi trường kinh doanh tích cực hơn so với trước đây. Tuy nhiên, việc chỉ số Gia nhập thị trường giảm 1,81 điểm thể hiện việc doanh nghiệp còn gặp khó khăn sau đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt với lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Để khắc phục các chỉ số giảm điểm cũng như cải thiện thứ bậc PCI, ông Hồ Anh Tuân cho rằng, thành phố cần tập trung cải cách hành chính ở một số lĩnh vực mà doanh nghiệp còn vướng mắc như đất đai, thuế. Bên cạnh đó, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp; đồng thời các sở, ban, ngành cần có sự đồng thuận trong giải quyết vấn đề.

Ví dụ: nếu một vướng mắc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của nhiều ngành thì sở được giao chủ trì, chịu trách nhiệm phản hồi doanh nghiệp cần đôn đốc các ngành liên quan khác có ý kiến nhanh chóng, tránh để doanh nghiệp phải liên hệ nhiều lần, nhiều nơi nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết…

Ông Lê Trường Kỹ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng kỹ thuật DINCO chia sẻ, từ kết quả PCI 2021, có thể thấy chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng điểm nhiều so với năm 2020 là chính xác, bởi lẽ thành phố đã có động thái nhanh chóng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau khi Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, để thứ hạng PCI các năm sau tốt hơn, các cơ quan Nhà nước nên tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đẩy nhanh quá trình xét duyệt hồ sơ để doanh nghiệp có thể nhanh chóng sản xuất, kinh doanh.

Tương tự, ông Hà Đức Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang - Phước Tường đánh giá, công tác hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh năm qua có nhiều cải thiện. Theo đó, vị trí thứ 4 của Đà Nẵng tại bảng xếp hạng PCI là đúng với thực trạng hiện nay.

11/12 lần đứng trong top 5
PCI nhằm đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện công phu nhất Việt Nam hiện nay, PCI tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành phố vượt lên các tỉnh, thành phố khác về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế. Kể từ năm 2010 đến nay, Đà Nẵng có 11/12 lần đứng trong top 5 các tỉnh, thành phố có số điểm cao nhất cả nước, trong đó có 5 lần giành ngôi “quán quân”.

PHONG LAN - MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.