Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 với mức tăng 6% từ ngày 1-7-2022 để trình Chính phủ xem xét quyết định. Ngay sau đó, 8 hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng như thủy sản, gỗ và nông lâm, lương thực thực phẩm... đã có công văn kiến nghị Chính phủ nên áp dụng tăng lương từ ngày 1-1-2023, vì thời điểm này doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Xung quanh vấn đề này, các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng phần lớn đồng thuận với mức tăng, nhưng lộ trình tăng lương có nhiều ý kiến khác nhau.
Người lao động đều mong đợi tăng lương để cải thiện cuộc sống. TRONG ẢNH: Công nhân đang sản xuất tại Công ty TNHH Sinaran Việt Nam (Khu công nghiệp Đà Nẵng, quận Sơn Trà). Ảnh: M.QUẾ |
Tăng lương nhưng cần xem xét lộ trình
Những lần tăng lương tối thiểu vùng trước đây được điều chỉnh với chu kỳ mỗi năm, theo đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng 5,5% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2019; mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng 5,3% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2018. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, mức lương tối thiểu vùng năm 2021 chưa tăng. Vì vậy, theo các doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu vùng thời gian tới là tất yếu, tuy nhiên cần có lộ trình phù hợp.
Theo ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng, doanh nghiệp đồng tình với việc cần tăng lương tối thiểu vùng và mức tăng 6% từ ngày 1-7 theo đề xuất vì thời điểm này, kinh tế đã phục hồi và dần ổn định. Ông Nhựt cho rằng, để giữ chân người lao động thì lương, thưởng và các chế độ cần ở mức khá. Nếu xét riêng mức lương của doanh nghiệp thì người lao động đang được trả cao so với mặt bằng chung, do đó, người lao động không gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh và gắn bó với công ty.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho hay, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là tất yếu, tuy nhiên thời điểm bắt đầu từ ngày 1-1-2023 sẽ hợp lý hơn. Nguyên nhân là do rất nhiều chi phí tăng cao trong giai đoạn hiện nay nhưng tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng đều được xây dựng từ cuối năm trước, không thể tăng giá bán để bù đắp chi phí.
Song song đó, Covid-19 vẫn tác động tới việc sản xuất của doanh nghiệp. Chỉ tính trong tháng 3 vừa qua, các trường hợp F0 và F1 trong công ty xin nghỉ từ vài ngày đến hơn 10 ngày lên tới gần 800 người. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn duy trì các biện pháp phòng, chống Covid-19, kiểm soát ở cửa khẩu nên việc nhập nguyên, vật liệu cho sản xuất bị chậm trễ… Hiện nay, tổng quỹ lương và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp khoảng 45 tỷ đồng/tháng, nếu tăng 6% lương cơ bản vùng từ ngày 1-7-2022 cũng là một chi phí không nhỏ cho doanh nghiệp trong khi sản xuất chưa ổn định hoàn toàn. Vì vậy, nên lùi thời gian để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt hơn.
Với doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, việc tăng 6% lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 vẫn trong khả năng có thể thu xếp được. Theo bà Nguyễn Thị Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Trùng Khoa (KCN Đà Nẵng, quận Sơn Trà), tuy tới nay công ty chỉ vận hành khoảng 60% công suất nhưng việc tăng lương cho người lao động từ ngày 1-7 là hợp lý, bởi hiện nay giá cả “leo thang”, người lao động phải gánh rất nhiều chi phí nên doanh nghiệp cần tăng lương để hỗ trợ người lao động, mức lương phải tốt thì người lao động mới cống hiến được.
Người lao động đều mong đợi tăng lương để cải thiện cuộc sống. TRONG ẢNH: Công nhân đang sản xuất tại Công ty TNHH Kane-M Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.QUẾ |
Người lao động mong đợi
Đà Nẵng là địa bàn thuộc vùng 2, nếu tăng 6% mức lương tối thiểu vùng theo Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất là tăng thêm 240.000 đồng/tháng. Nhiều công nhân tại các KCN đều mong đợi tăng lương trong thời điểm “bão giá” như hiện nay, dù tăng nhiều hay ít. Chị Hồ Thị Lê (SN 1987, quê Nghệ An), công nhân tại Công ty TNHH MTV Yuri ABC (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) chia sẻ, cả hai vợ chồng chị đều là người ngoại tỉnh nên cuộc sống xa quê rất khó khăn. Nhiều thời điểm dịch bệnh không đi làm được, gia đình phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền, Công đoàn… “Tuy dịch bệnh không còn là nỗi lo lớn nhưng tất cả chi phí hiện nay đều tăng như xăng xe, thức ăn nên việc tăng lương sớm cho người lao động là cần thiết. Khi nghe tin 2 tháng nữa được tăng lương, ai cũng trông đợi”, chị Lê nói. Tương tự, chị Nguyễn Thị Ly, công nhân tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho hay, ngoài đi làm, chị còn thỉnh thoảng nhập ít hoa quả, thức ăn để bán nhằm tăng thêm thu nhập nhưng cũng chỉ lời vài chục ngàn đồng. Vì vậy, việc tăng 240.000 đồng/tháng tuy không nhiều, nhưng là niềm vui lớn đối với công nhân khi phải gom góp từng chút một để trang trải cuộc sống hằng ngày.
Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, quan điểm của Liên đoàn Lao động các cấp là mức tăng lương tối thiểu vùng 8% sẽ hợp lý hơn trong thời điểm “bão giá” như hiện nay. Tuy vậy, đề xuất mức tăng 6% cũng coi như đáp ứng được một phần cuộc sống của người lao động. Có thể thấy, người lao động gặp nhiều khó khăn thời gian qua nên việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết để hỗ trợ họ và cần thực hiện sớm. Nếu để kéo dài thì người lao động lại càng khó khăn hơn khi dự báo giá cả hàng hóa vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng: Thời điểm tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2023 sẽ hợp lý hơn Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa với ít lao động thì việc chia sẻ với người lao động bằng cách tăng lương càng sớm càng tốt là phù hợp và doanh nghiệp có thể thu xếp. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp lớn có quy mô hàng ngàn, hàng chục ngàn lao động thì việc tăng lương từ đầu quý 3-2022 là khó khăn, bởi nếu tăng lương cũng sẽ kéo theo các chi phí khác tăng thêm như bảo hiểm xã hội, thưởng....Theo đó, việc tăng lương theo chu kỳ là tất yếu, nhưng tăng từ đầu năm 2023 thì hợp lý hơn. Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng: Càng kéo dài thì mức tăng sẽ không phù hợp Mặc dù doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tất cả chi phí đều tăng như phí logistics, nguyên vật liệu… song, tôi cho rằng, tăng 6% mức lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022 là hợp lý, vì càng kéo dài thì mức tăng sẽ không phù hợp nữa. Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp khát lao động thì việc tăng lương là một cách để giữ chân, chăm lo đời sống cho người lao động. |
MAI QUẾ