Xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

.

Để phát triển các sản phẩm OCOP - Chương trình mỗi xã một sản phẩm, ngoài việc mở rộng thị trường, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm thì công tác quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm tiếp cận người dùng là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiện đang gặp khó khăn do năng lực, khả năng tiếp cận và tiềm lực kinh tế còn hạn chế. Vì vậy, cần cơ chế chính sách của cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Công tác quảng bá, truyền thông giới thiệu sản phẩm tiếp cận người dùng là yếu tố quan trọng  để phát triển các sản phẩm OCOP. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua rau của HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan ở siêu thị Co.opmart Đà Nẵng.  Ảnh: QUỲNH TRANG
Công tác quảng bá, truyền thông giới thiệu sản phẩm tiếp cận người dùng là yếu tố quan trọng để phát triển các sản phẩm OCOP. TRONG ẢNH: Người tiêu dùng mua rau của HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan ở siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Thị trường còn khiêm tốn

Qua khảo sát, một số sản phẩm OCOP của Đà Nẵng đã hiện diện ở các kênh phân phối hiện đại nhưng số lượng sản phẩm cũng như diện tích được bày bán khá khiêm tốn. Tại quầy rau xanh của siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, bên cạnh một số loại rau, củ có nguồn gốc từ Đà Lạt, Gia Lai, Phú Yên, nay có thêm rau bồ ngót, cải xanh, mồng tơi của HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan.

Ông Nguyễn Đắc Thuận, Trưởng phòng Marketing Co.opmart Đà Nẵng cho biết, siêu thị bắt đầu nhập rau của HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan từ cuối năm 2020, với trung bình mỗi ngày 80 kg/rau các loại. Các sản phẩm rau của đơn vị trên có chất lượng khá tốt, được đóng gói bao bì đẹp mắt và có mức giá tương đương với các sản phẩm nhập từ các đơn vị khác, tuy nhiên, chất lượng rau chưa được đồng đều và giảm chất lượng khi thời tiết xấu.

“Cùng với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, việc triển khai phân phối các sản phẩm OCOP tại siêu thị giúp doanh nghiệp sản xuất, HTX địa phương đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng là chủ trương của Co.opmart trong thời điểm hiện nay. Song vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động liên kết tiêu thụ vì sản lượng và chất lượng không ổn định, thường xuyên bị “đứt” nguồn cung. Nhiều sản phẩm OCOP thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm...”, ông Thuận cho biết thêm.

Tương tự, sản phẩm rau ăn lá và dưa lưới của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao AFARM (xã Hòa Phú) đạt chứng nhận OCOP 4 sao và được đánh giá cao, bởi được đóng gói trong màng bao gói khí quyển biến đổi (màng MAP), dán nhãn và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Dù vậy, sản phẩm chỉ mới có mặt ở 5 cửa hàng thực phẩm mini, chưa vào kênh siêu thị, trung tâm thương mại.

Theo ông Nguyễn Tấn Phương, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp CNC Afarm, việc đưa sản phẩm địa phương vào hệ thống siêu thị còn nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề giá thành thấp và bị công nợ cao, chưa kể còn phải bị trả hàng nếu không tiêu thụ hết. Vì vậy, để đơn vị sản xuất và kênh phân phối hiện đại như siêu thị tìm được tiếng nói chung là việc không dễ.

Siêu thị Go! có 4 quầy hàng trưng bày các sản phẩm OCOP, tuy nhiên, chưa có sản phẩm OCOP nào của Đà Nẵng chính thức bày bán trên hệ thống các siêu thị Go! cũng như siêu thị Go! Đà Nẵng. Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị Go! cho biết, hiện trung tâm thu mua của hệ thống siêu đang trong quá trình tìm hiểu nhà cung cấp, đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP Đà Nẵng để ký hợp đồng chính thức và đưa các sản phẩm này phân phối trên hệ thống siêu thị toàn quốc.

“Đà Nẵng có các sản phẩm OCOP tiềm năng, có khả năng tiêu thụ mạnh như Tré bà Năm, bánh khô mè bà Liễu mẹ, bánh dừa nướng Mỹ Phương Foods… nhưng cần xúc tiến hợp tác với các chuỗi hệ thống bán lẻ lớn nhiều hơn, có các chiến dịch quảng bá trên toàn quốc, vì Đà Nẵng đang đi sau các tỉnh, thành phố khác về đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối lớn”, bà Thủy nói.

Đẩy mạnh kết nối giao thương

Để hỗ trợ các sản phẩm đặc trưng của thành phố phát triển, tìm chỗ đứng trên thị trường, thời gian qua, ngành công thương phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông qua các chương trình như: hỗ trợ chi phí gian hàng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng nông sản, tham gia các hội chợ trong và ngoài nước; tổ chức và hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia hội nghị kết nối cung cầu đến các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, chợ đầu mối, đơn vị phân phối khác trên địa bàn và các tỉnh, thành phố khác; hỗ trợ thiết kế bao bì, tư vấn các giải pháp quảng bá thương hiệu, đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu các sản phẩm nông nghiệp…

Đến nay, Đà Nẵng có 40 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 17 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Hiện, Sở Công Thương đã tham mưu xây dựng “Chương trình quảng bá sản phẩm Đà Nẵng gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2022-2025” (hiện đang lấy ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành liên quan).

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Hạnh thông tin: “Hiện ngành công thương đang triển khai xây dựng các đề án nâng cấp hệ thống sàn giao dịch thương mại điện tử thành phố, đề án xây dựng chợ online hỗ trợ tiểu thương các chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn, đưa nền tảng triển lãm ảo trở thành công cụ giới thiệu, quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm của thành phố, sở phối hợp Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel (Viettel) xây dựng và triển khai ứng dụng triển lãm ảo hỗ trợ doanh nghiệp thành phố quảng bá, giới thiệu, triển lãm sản phẩm trực tuyến”.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.
Yến sào LifeNest