Giá xăng tăng, doanh nghiệp chật vật tìm cách xoay xở

.

Giá xăng tiếp tục tăng lên một ngưỡng mới kéo theo nguyên liệu đầu vào, dịch vụ logistics tăng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Mặc dù các doanh nghiệp cố gắng cân đối nguồn lực tài chính nhưng áp lực chi phí tăng đang là rào cản lớn để mở rộng sản xuất.

Giá xăng tác động đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.  Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sinaran Việt Nam (quận Sơn Trà). Ảnh: M.Q
Giá xăng tác động đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sinaran Việt Nam (quận Sơn Trà). Ảnh: M.Q

Doanh nghiệp xoay xở vượt khó

Ngoài ngành vận tải, thủy sản được đánh giá là nhóm ngành chịu tác động mạnh từ giá xăng, dầu bởi nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu phụ thuộc vào đánh bắt ở ngoài khơi nên khi xăng, dầu tăng giá sẽ làm đội chi phí của nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là với các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu như Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT công ty này phân tích, sau Tết đến nay, nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản bị ảnh hưởng lớn, một phần do thời tiết nhưng nguyên nhân chính do giá xăng, dầu tăng đột biến khiến ngư dân ngại ra khơi, nhất là những ngày gần đây, khi giá xăng tăng đến mức kỷ lục thì tình hình càng ảm đạm hơn.

Thêm vào đó, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn khác như: giá thành xuất khẩu sản phẩm thành phẩm không tăng, trong khi giá USD đang giảm, lãi suất vay ngân hàng tăng khiến doanh nghiệp càng gặp khó vì hầu hết đều vay vốn ngân hàng để kinh doanh. Ông Lĩnh cho rằng, nếu cơ quan chức năng không can thiệp giá xăng, dầu sớm thì sẽ ảnh hưởng lớn đến không chỉ lĩnh vực vận chuyển mà nhiều lĩnh vực khác.

Nhóm ngành chịu tác động kế tiếp là sản xuất sản phẩm hóa chất, cao su... Là doanh nghiệp sản xuất lốp cao su lớn, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) không tránh khỏi ảnh hưởng khi giá xăng cùng hàng loạt nguyên vật liệu như: sắt, thép, nhôm kính cũng liên tục tăng. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc công ty cho hay, xăng tăng khiến hàng hóa đồng loạt tăng giá, người dân thắt chặt chi tiêu nên thị trường nội địa của công ty giảm sâu. Bên cạnh đó, chi phí logistics tăng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Để xoay xở với tình hình này, DRC đang tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, ông Huỳnh Trinh, Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng thông tin, chi phí sản xuất và vận chuyển của công ty đều bị đội lên so với cuối năm 2021 do dầu là nguyên liệu để pha chế sơn PU phun lên gỗ, hay cước xe container từ công ty (quận Cẩm Lệ) tới cảng Đà Nẵng để xuất khẩu cũng tăng từ 1,2 triệu lên 1,5 triệu đồng/1 chuyến (tăng 20%)…

“Trong nửa năm qua, giá xăng, dầu tăng khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh khi không chỉ nguyên liệu cho sản xuất tăng giá, mà các dịch vụ như vận tải, phí thuê kho bãi cũng tăng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tăng giá sản phẩm vì nếu hàng hóa có giá bán cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp đầu ra đối với thị trường trong nước lẫn xuất khẩu”, ông Huỳnh Trinh cho biết.

Mong có giải pháp tổng thể

Các doanh nghiệp cho rằng, giá xăng, dầu tăng nhanh với biên độ lớn dẫn đến doanh nghiệp khó tính toán việc sản xuất, kinh doanh do đa số đơn hàng đều ký hợp đồng trước với đối tác 2-10 tháng. Những biến động giá xăng, dầu khi đàm phán, ký kết với đối tác bạn hàng cũng đã được tính đến trong biên độ biến động giá của hợp đồng, cùng với giá nhân công, giá nguyên vật liệu.

Tuy nhiên, đến nay, biên độ tăng của giá xăng, dầu nằm ngoài tính toán của doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp có nguy cơ lỗ hoặc hòa vốn khi thực hiện các đơn hàng đã ký. Ngoài nỗi lo về nguyên liệu thì nỗi lo chi phí vận tải lại đè nặng doanh nghiệp với khả năng một đợt điều chỉnh giá mới sắp tới và tình trạng thiếu container vẫn chưa được khắc phục.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đều phải tính toán cắt giảm những khâu không quan trọng, giảm chi phí sản xuất để duy trì hoạt động. Một số doanh nghiệp có nguồn lực thì chủ động trong việc dự trữ nguyên vật liệu, đa dạng nguồn cung… nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Nhiều doanh nghiệp thông tin, một số nhà cung cấp đã thông báo tăng giá nguyên vật liệu thời gian tới 5-15% tùy chủng loại sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp rất khó có thể tăng giá các sản phẩm ra thị trường ở mức tương ứng. Theo ông Bình, chưa có giải pháp nào tối ưu cho sản xuất, kinh doanh trong tình hình này nên các doanh nghiệp đang chờ chính sách giảm thuế, lãi suất của Chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục khôi phục, phát triển sản xuất.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố ngày 23-5 cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình xăng, dầu thế giới tính đến ngày 15-5 có xu hướng tăng 40,66 - 51,52% so với tháng 1-2022 tùy từng chủng loại. Giá xăng, dầu trong nước đã được điều chỉnh tổng số 13 lần; trong đó, giá xăng tăng 10 lần, giảm 3 lần. Hiện giá xăng RON95 ở mức 30.657 đồng/lít, cao nhất từ trước tới nay. Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, trong hơn 10 ngày qua, nguồn cung cho thị trường (nhất là khu vực châu Âu) tiếp tục chịu ảnh hưởng từ việc cấm vận đối với các sản phẩm từ Nga, trong khi đó tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục ở mức thấp. Tuy nhiên, do đang vào mùa hè nên nhu cầu nhiên liệu phục vụ việc sưởi ấm các nước châu Âu, châu Mỹ giảm. Các yếu tố này đã đẩy giá các mặt hàng xăng tăng khá cao và các mặt hàng dầu giảm so với kỳ trước.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.