Sẵn sàng tổ chức diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022

.

Sự kiện diễn đàn “Phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes 2022)” dự kiến tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 4 đến 9-6, được xem là cơ hội quý để quảng bá hình ảnh và tiềm năng của Đà Nẵng về môi trường đầu tư, thương mại, hàng không, du lịch, logistics… đến bạn bè quốc tế. Hiện nay, thành phố tích cực chuẩn bị, sẵn sàng để chào đón các đại biểu tới tham dự sự kiện.

Sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 là cơ hội lớn để kết nối, phát triển du lịch thương mại của Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du khách nước ngoài đến Sân bay quốc tế Đà Nẵng cuối tháng 3-2022. Ảnh: NHẬT HẠ
Sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 là cơ hội lớn để kết nối, phát triển du lịch thương mại của Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du khách nước ngoài đến Sân bay quốc tế Đà Nẵng cuối tháng 3-2022. Ảnh: NHẬT HẠ

Routes Asia 2022 do Công ty Informa Routes chủ trì với sự đồng hành tổ chức của UBND thành phố và Công ty CP thương mại Duy Anh (IPP Travel Retail) được tổ chức trong giai đoạn phục hồi du lịch, tạo tiền đề để thành phố kêu gọi, kết nối các hãng hàng không, sân bay quốc tế nhằm sớm phục hồi mạng lưới đường bay, kết nối các đường bay quốc tế sau ảnh hưởng của Covid-19, thúc đẩy cơ hội đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng hàng không…

Thông tin từ đại diện Công ty Informa Routes, tính đến đầu tháng 5-2022, đã có hơn 400 đại biểu từ 155 tổ chức, đơn vị đăng ký tham gia. Công ty sẽ tổ chức hoạt động triển lãm về du lịch hàng không châu Á. Hiện công ty đã cập nhật sơ đồ 43 gian hàng, mỗi gian hàng có diện tích 5m x 5m; riêng gian hàng của thành phố Đà Nẵng nằm ở vị trí chính giữa với diện tích 7m x 7m. Dự kiến có hơn 1.000 cuộc gặp giữa các đối tác, mỗi đơn vị có tối đa 12 cuộc gặp với các đối tác đã được hẹn trước trên hệ thống của diễn đàn. Riêng thành phố Đà Nẵng có 2 nội dung gặp gỡ kết nối gồm 12 cuộc gặp đặt hẹn trước trên hệ thống và diễn ra tại không gian kết nối giữa người mua và người bán; lãnh đạo thành phố có buổi làm việc riêng với 3-4 nhà đầu tư lớn.

Ngoài ra Công ty Informa Routes còn tổ chức các hội thảo, hội nghị với các chuyên đề như: tọa đàm của các nhà lãnh đạo hàng không chủ chốt - tăng tốc phục hồi; tọa đàm du lịch phục hồi - xu hướng du lịch trong tương lai tọa đàm chiến lược phục hồi cho các sân bay và các hãng hàng không; tọa đàm đáp ứng nhu cầu hàng không, xu hướng mới ở châu Á Thái Bình Dương là gì?... Theo kế hoạch, sẽ có 19 hạng mục nội dung được triển khai, trong đó Công ty Informa Routes chủ trì 3 hoạt động chính, Sở Du lịch chủ trì 11 hoạt động; các sở, ban, ngành khác chủ trì 5 hoạt động.

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo về cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú… ngành du lịch thành phố đang triển khai các hoạt động truyền thông trực quan và trực tuyến tại thành phố. Sở tổ chức chương trình khảo sát điểm đến kết nối với các hãng hàng không quốc tế (đoàn famtrip), dự kiến có khoảng 50 người là đại diện cấp cao của các hãng hàng không quốc tế có tiềm năng khai thác chặng bay đến Đà Nẵng sẽ đi khảo sát cơ sở hạ tầng về hàng không và du lịch.

Đồng thời làm việc với các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp liên quan, trải nghiệm các dịch vụ, điểm đến, sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng; xây dựng, tổ chức các chương trình tour tham quan dành cho khoảng 400 - 450 đại biểu là khách mời quốc tế tham dự sự kiện. Dự kiến sẽ có 5 tour (tour văn hóa và lịch sử; tour sinh thái, nghỉ dưỡng, tour nghỉ dưỡng, tour trải nghiệm, tour Đà Nẵng về đêm) tập trung giới thiệu các điểm đến và những nét văn hóa đặc trưng của Đà Nẵng như: Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Công viên APEC, bán đảo Sơn Trà; các khu, điểm du lịch lớn trên địa bàn thành phố… để khách tham quan, trải nghiệm.

Sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 là cơ hội để kết nối, quảng bá, phát triển du lịch, thương mại của Đà Nẵng. Trong ảnh: Du khách đến Đà Nẵng qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: NHẬT HẠ
Sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 là cơ hội để kết nối, quảng bá, phát triển du lịch, thương mại của Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du khách đến Đà Nẵng qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: NHẬT HẠ

Ngành du lịch triển khai các hoạt động, chương trình quảng bá du lịch nhân sự kiện này như: xây dựng bộ ấn phẩm và quà tặng nhận diện du lịch Đà Nẵng để tặng cho các đại biểu; tổ chức gian hàng giới thiệu về Đà Nẵng tại triển lãm hàng không - du lịch của diễn đàn, triển lãm ảnh đẹp du lịch Đà Nẵng, diễu hành thuyền hoa…

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết, việc Đà Nẵng được chọn là địa điểm đăng cai sự kiện lớn này là cơ hội “vàng” để quảng bá hình ảnh du lịch của một thành phố trẻ, năng động, hiếu khách nhằm nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế… Để chuẩn bị các tour tham quan cho đại biểu, Hiệp hội đã làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành và các doanh nghiệp đã sẵn sàng đón và phục vụ khách trong thời gian diễn ra sự kiện.

Theo đánh giá của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn IPP, Tổng Giám đốc Công ty CP thương mại Duy Anh (IPP Travel Retail) Phillip Nguyễn, Đà Nẵng được biết đến là điểm đến du lịch mới nổi và hấp dẫn với nhiều danh hiệu, giải thưởng do các tổ chức có uy tín trên thế giới bình chọn. Đặc biệt với kinh nghiệm đăng cai các sự kiện tầm cỡ quốc tế như: Tuần lễ cấp cao APEC 2017 cùng cơ sở hạ tầng sân bay quốc tế hiện đại và mạng lưới đường bay rộng khắp châu Á… nên thành phố đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam tổ chức diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022. Sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong những sân bay lớn của Việt Nam. Trung bình mỗi ngày, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng phục vụ khoảng 326 lần máy bay cất, hạ cánh, dịp cao điểm lên tới 360 lần. Đà Nẵng có năng lực đáp ứng tốt đối với các dự án về hàng không và du lịch nên rất thuận lợi để tổ chức sự kiện lớn này.

70% doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại
Theo thông tin từ Sở Du lịch thành phố, tính đến tháng 5-2022, đã có khoảng 1.114 doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại, đạt tỷ lệ gần 70%, theo thông tin cập nhật từ Sở Du lịch Đà Nẵng. Trong đó, có 700 cơ sở lưu trú du lịch với 27.000 phòng, chiếm 70% số lượng cơ sở lưu trú tại thành phố. Tất cả 16 khu, điểm du lịch đã hoạt động trở lại bên cạnh 210 đơn vị lữ hành, 170 đơn vị vận chuyển với 2.100 xe phục vụ du lịch và 18 trên tổng số 21 tàu du lịch phục vụ khách.

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.