Làm thế nào để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng?

.

Qua báo cáo thống kê của Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 là 1,84% (mục tiêu là dưới 4%), bình quân 5 tháng đầu năm, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021. Xét trên góc độ tổng thể, chỉ số giá tiêu dùng như vậy là tốt, thể hiện sự ổn định và thuận lợi trong phát triển kinh tế. Tuy vậy, nếu chủ quan với dữ liệu tổng hợp này sẽ dễ dẫn đến các đánh giá sai về tình hình xã hội và các diễn biến kinh tế quan trọng khác.

TS Võ Quang Trí (Khoa Thương mại điện tử, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) nhận định, CPI năm 2021 thấp chủ yếu bởi các yếu tố tiêu cực của nền kinh tế như: sức mua giảm do thu nhập giảm, tồn đọng sản phẩm do lưu thông hạn chế, xuất khẩu đình trệ và trợ giá trong thời kỳ phòng, chống dịch (ví dụ như dịch vụ giáo dục, viễn thông...) hay do sức cầu giảm sút trong thời kỳ Covid-19 (dịch vụ ăn uống, du lịch, sản phẩm nông nghiệp...).

Chỉ số CPI có thể chưa phản ánh hết các diễn biến phức tạp và những biến động tiềm ẩn của lạm phát trong thời gian tới. Mặc dù chỉ số CPI toàn quốc trong các tháng vừa qua đang trong tầm kiểm soát nhưng đời sống thực của người dân, đặc biệt ở các đô thị đang bị ảnh hưởng do các mặt hàng cơ bản tăng giá mạnh. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng cho việc bảo đảm đời sống công nhân, nhất là tại các khu đô thị. Đáng chú ý, điều này lại tạo ra sức ép về tăng lương - chi phí nhân lực lên các doanh nghiệp, khiến việc tuyển dụng nhân lực đầy đủ cho phục hồi sản xuất gặp khó khăn.

Theo Cục Thống kê thành phố, giá xăng dầu tăng theo chính sách điều chỉnh giá xăng dầu của thế giới; giá các mặt hàng thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng; giá nhà ở cho thuê tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tháng 5-2022 tăng 1,11% so tháng trước, tăng 3,52% so với cùng kỳ năm trước, tăng 4,98% so với tháng 12-2021. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,42% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

Từ số liệu này cho thấy, dưới áp lực của giá xăng và thực phẩm, lạm phát có khả năng tăng dần trong thời gian tới. Chưa kể, ngoài xăng dầu, các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng đều thông báo tăng giá trong tháng 5. Ghi nhận tại các chợ truyền thống từ đầu tháng 6 đến nay, hầu hết các mặt hàng thiết yếu từ thịt heo, rau, củ, trái cây, gia vị, trứng gà… đều tăng. Các nhà bán lẻ cho hay, nếu xăng dầu tiếp tục tăng giá hoặc vẫn ở mức cao, các siêu thị sẽ nhận được yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp và buộc phải tăng giá 5-7%.

Tuy nhiên, giá hàng hóa tăng quá cao, sản phẩm khó tiêu thụ. Từ sau ngày 1-7, mặt bằng giá mới có thể được thiết lập bởi tại thời điểm đó, lương tối thiểu vùng, học phí, giá sách giáo khoa đều tăng... Khả năng chỉ số CPI từ tháng 7 sẽ tăng mạnh và lạm phát có thể xuất hiện từ quý 3 năm nay.

TS Võ Quang Trí cho rằng, chính quyền thành phố có thể cân nhắc các giải pháp tình thế để hỗ trợ, chẳng hạn như nghiên cứu các đề án, chính sách hỗ trợ lưu thông thương mại, tăng nguồn cung sản phẩm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu xây dựng. Đây là các sản phẩm tăng giá do ách tắc lưu thông nhiều hơn.

Ngoài ra, cần thúc đẩy các chính sách thu hút công nhân, người lao động ở các địa phương quay trở lại Đà Nẵng để giảm sức ép về nguồn lao động lên các doanh nghiệp. Trong chừng mực và phạm vi quản lý, có thể giảm, hoãn việc tăng giá, phí của các dịch vụ thuộc thẩm quyền thành phố (ví dụ giáo dục, y tế...). Dự báo Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung không tránh khỏi một đợt tăng giá tiêu dùng trong những tháng sắp tới. Thành phố nên tính toán để giảm cường độ của đợt lạm phát này cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của nó, tận dụng yếu tố này thúc đẩy khôi phục kinh tế địa phương.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.