Đề xuất thay đổi phương pháp nạo vét bùn đáy âu thuyền Thọ Quang

.

Ngày 21-7, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng Nguyễn Minh Huy thông tin, đơn vị đã chỉ đạo nhà thầu tạm dừng việc nạo vét bùn đáy tại âu thuyền Thọ Quang trong thời gian qua và đề nghị UBND thành phố chỉ đạo thay đổi phương pháp nạo vét cho phù hợp.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của công trình này (được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 18-5-2021), phương pháp nạo vét là tàu hút bơm bùn sét, cát lẫn rác lên xà lan (bố trí thiết bị thu gom rác tại vị trí đầu ra của ống bơm) cho lắng bùn, cát và tách nước trên từng khoang. Đất, bùn, sét, cát đã lắng đọng sau khi bóc tách rác trên sà lan được vận chuyển đến vị trí nhận chìm trên biển tại phao số 0, cách âu thuyền 19,6km.

Vào giữa tháng 4-2022, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đã chỉ đạo nhà thầu tiến hành thử nghiệm nạo vét bùn đáy âu thuyền Thọ Quang bằng phương pháp là tàu ngoạm cạp, xúc bùn đáy bằng gàu và thử nghiệm nhận chìm chất nạo vét tại vị trí quy định trên biển.

Sau khi đánh giá phương pháp nạo vét và nhận chìm, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan và nhà thầu chuẩn bị mặt bằng, phương tiện... để thi công nạo vét đại trà. Đến giữa tháng 5-2022, nhà thầu đã đưa tàu hút có công suất lớn đến công trường. Tuy nhiên, sau một số lần vận hành, các đơn vị chức năng đánh giá việc sử dụng tàu hút để bơm bùn sét, cát lẫn rác lên xà lan là không hiệu quả.

Ông Nguyễn Minh Huy cho rằng, việc sử dụng tàu hút chỉ bơm được khoảng 10% là bùn, sét lên xà lan, phần lớn còn lại là nước. Nhà thầu đã thực hiện thi công theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt được một số lần, nhưng thấy hiệu quả không cao và lãng phí.

Hiện nay, đơn vị đang kiến nghị UBND thành phố điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường theo hướng điều chỉnh phương pháp thi công nạo vét cho phù hợp, cụ thể là áp dụng cả 2 phương pháp hút và cạp xúc để đưa được nhiều bùn lên xà lan, bảo đảm hiệu quả về kinh tế và môi trường.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.