Doanh nghiệp chịu tác động thế nào khi đồng USD tăng, Euro giảm?

.

Diễn biến lên xuống của các đồng ngoại tệ thời gian gần đây ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố theo cách khác nhau. Theo đó, Euro xuống giá khiến thị trường châu Âu giảm sức mua, còn USD tăng giá có nhiều tín hiệu thuận lợi hơn với doanh nghiệp xuất khẩu nhưng chỉ trong ngắn hạn.

Đồng USD tăng giúp doanh nghiệp xuất khẩu có lợi ngắn hạn. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Trùng Khoa (Khu công nghiệp Đà Nẵng, quận Sơn Trà). Ảnh: MAI QUẾ
Đồng USD tăng giúp doanh nghiệp xuất khẩu có lợi ngắn hạn. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty TNHH Trùng Khoa (Khu công nghiệp Đà Nẵng, quận Sơn Trà). Ảnh: MAI QUẾ

Doanh nghiệp xuất khẩu thêm cơ hội

Qua tìm hiểu, phần lớn doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố giao dịch bằng USD là chủ yếu, điều này mang lại lợi ích ngắn hạn đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết, các hợp đồng xuất khẩu của công ty đều thanh toán bằng USD nên đồng tiền này tăng giá sẽ có lợi.

Nguyên nhân là công ty đã chủ động nhập khẩu nguồn nguyên liệu ngay từ đầu năm, lúc USD chưa tăng giá, còn hiện USD tăng khoảng 3% là tín hiệu tích cực. Đầu năm nay, khi tỷ giá giao dịch ở mức 22.600 VNĐ/USD thì doanh nghiệp xuất khẩu 1 triệu USD sẽ có 22,6 tỷ đồng, nhưng với tỷ giá đang neo ở mức 23.300 VND/USD thì công ty sẽ thu về 23,3 tỷ đồng, tăng thêm 700 triệu đồng. Như vậy, với số tiền này, công ty sẽ có thêm nguồn thu để tăng đầu tư sản xuất và giải quyết vấn đề giá nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh như hiện nay, từ đó giảm áp lực chi phí.

Trong khi đó, ông Bùi Minh Vũ, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng cho hay, công ty nhập nguyên liệu và xuất thành phẩm đều ở thị trường Trung Quốc và thanh toán bằng USD nên việc USD tăng không tác động tới công ty nhiều. Nếu doanh nghiệp được lợi thì cũng chỉ trong ngắn hạn khi nguyên liệu nhập còn tồn kho, còn khi đã nhập nguyên liệu theo tỷ giá mới thì hầu như không có gì thay đổi. Qua đó, lượng đơn hàng của công ty vẫn chưa bị tác động bởi diễn biến ngoại tệ.

Ông Huỳnh Trinh, Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu thông tin, thị trường xuất khẩu của công ty là châu Âu nhưng công ty chỉ giao dịch bằng USD. Nguyên liệu sản xuất của công ty từ trong nước nên việc USD tăng nhìn chung là có lợi nhưng đồng Euro giảm dẫn đến sức mua của đối tác giảm.

“Mặc dù USD tăng nhưng lại vào lúc thấp điểm của ngành hàng gỗ nên doanh thu của doanh nghiệp chưa tăng nhiều. Bên cạnh đó, lạm phát trên thế giới lại tăng cao, người dân chỉ đang tập trung vào các mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, nếu cứ tiếp tục kéo dài thì khi vào mùa cao điểm, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn vì lượng đơn hàng ít đi. Trong quý 4, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trước những biến động mới, trong đó có cả vấn đề tỷ giá”, ông Trinh chia sẻ.

Doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó

Trái với doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp nhập khẩu lại gặp khó khăn vì phải quy đổi từ đồng Việt Nam sang USD để thanh toán. Đặc biệt là với các doanh nghiệp nhập khẩu thành phẩm từ nước ngoài và bán tại Việt Nam, không qua chế biến, chế tạo thì đồng USD tăng là nỗi lo lớn. Bà Đinh Thị Thúy Phương, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty CP Thủy sản Bắc Trung Nam cho hay, trong khi cước vận tải vẫn còn là nỗi lo lớn với doanh nghiệp thì thời điểm này lại thêm khó khăn về tỷ giá USD. Việc đồng USD liên tục tăng nhanh từ cuối tháng 6 đến nay khiến các sản phẩm công ty nhập về bị tăng giá khoảng 2% (chưa gồm việc tăng giá chi phí vận chuyển và các chi phí khác). Điều này dẫn đến phải tăng giá bán mới bù chi phí được, tuy nhiên nhu cầu thị trường nội địa đang giảm mạnh, nếu tăng giá bán thì nhu cầu càng giảm, khó tiêu thụ sản phẩm hơn.

Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, Giám đốc Công ty CP Kho vận Liên Chiểu Xanh phân tích, diễn biến của ngoại tệ thời gian qua có tác động khác nhau tới doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cũng tác động gián tiếp tới doanh nghiệp logistics nếu doanh nghiệp đó có đối tác là doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bởi lẽ các doanh nghiệp nhập khẩu phải tính toán lại nhu cầu thị trường, nhập hàng hóa cầm chừng khi đồng USD tăng.

Bên cạnh đó, mặc dù doanh nghiệp xuất khẩu thanh toán bằng USD có lợi nhưng lượng đơn hàng không tăng, thậm chí một số ngành hàng vào mùa thấp điểm có xu hướng giảm. Song song đó là đồng Euro suy giảm khiến hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu trở nên đắt đỏ hơn và khó cạnh tranh hơn với hàng hóa của các quốc gia khác tại thị trường này. Trước khó khăn trên, ông Hiệp cho rằng các công ty nhập khẩu có thể tìm phương án đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước để chủ động về thời gian giao nhận, tiết kiệm chi phí vận chuyển, nhất là các công ty nhập khẩu nguyên liệu xây dựng.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.