Nhiều giải pháp tăng tốc sản xuất công nghiệp

.

Dù tăng trưởng 3,07% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn thành phố trong 6 tháng qua vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra từ đầu năm với mức tăng từ 4-5%. Ngoài nguyên nhân chủ quan do quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, tình hình chính trị thế giới vẫn bất ổn đã tác động không nhỏ đến tăng trưởng của ngành công nghiệp thời gian qua.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA

Một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp sụt giảm

Báo cáo từ Sở Công Thương cho biết, một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến IIP trong 6 tháng đầu năm chưa đạt như mục tiêu là do sự sụt giảm của ngành công nghiệp khai khoáng (giảm 28,88%). Bên cạnh đó, mặc dù đạt mức tăng trưởng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng trong phân ngành cấp 2 của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có đến 14/22 phân ngành giảm so với cùng kỳ. Một số ngành giảm rất sâu như: sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 41,39%); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (giảm 20,42%); sản xuất máy móc, thiết bị (giảm 17,84%); công nghiệp dệt (giảm 16,07%)...

Trong 6 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm công nghiệp có mức giảm sâu do doanh nghiệp thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao do ảnh hưởng của giá nguyên, nhiên, vật liệu có nguồn gốc nhập khẩu tăng mạnh, đầu ra của sản phẩm bị hạn chế khi chuỗi cung ứng chưa thực sự liền mạch do ảnh hưởng từ giá xăng, dầu trên thế giới tăng cao cũng như tình hình chiến sự ở một số quốc gia... Cụ thể: bàn gỗ các loại (giảm 70,0%); vải dệt thoi (giảm 55,6%); keo và các chất kết dính (giảm 50,3%); sữa và kem chưa cô đặc (giảm 44,3%); quần áo dệt kim (giảm 40,8%); đá xây dựng (giảm 30,7%); xi-măng (giảm 19,0%)...

Ông Huỳnh Trinh, Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) thông tin, từ vài tháng nay, tình hình xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như lạm phát ở các nước châu Âu khiến sức mua tại thị trường chủ lực này sụt giảm mạnh. Một số bạn hàng phải gia hạn thời gian nhận hàng, thậm chí hủy đơn hàng dẫn đến đầu ra của các sản phẩm gỗ có thời điểm bị chững lại, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng cao. Ngoài ra, các tháng 5 và 6 là thời điểm vào cuối mùa vụ sản xuất của ngành gỗ nên hầu hết doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, thay vào đó tập trung chuẩn bị nguyên vật liệu để chuẩn bị cho mùa sản xuất mới.

Tăng tốc cho cuối năm

Theo đánh giá từ Sở Công Thương, tuy 6 tháng đầu năm chưa đạt kế hoạch tăng trưởng đề ra nhưng quỹ đạo phục hồi kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng của thành phố đang bước vào giai đoạn bứt tốc. Dự kiến đến hết tháng 7-2022, IIP ngành công nghiệp toàn thành phố sẽ đạt mức tăng trưởng 4,5%, đây là tiền đề để toàn ngành hướng đến mục tiêu thành phố giao.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, chỉ tiêu kế hoạch phát triển công nghiệp thành phố trong năm 2022 gồm: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4-5%; giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6-7%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 9-10%. Ngoài các giải pháp mang tính toàn diện như: nâng cao hiệu quả thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trong hoạt động sản xuất; triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tích cực xúc tiến đầu tư các dự án mới..., ngành công thương tập trung triển khai một số giải pháp phù hợp với đặc thù riêng của những ngành công nghiệp chủ lực.

Trong đó, nhóm ngành điện tử, thiết bị điện, cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị, sản xuất ô-tô… được tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án mới đầu tư hoàn thành, các dự án đang triển khai đi vào hoạt động đúng tiến độ, phát huy hiệu quả công suất đầu tư. Ngành cũng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hiện hữu đầu tư vào chiều sâu, tăng công suất để đóng góp kịp thời vào tăng trưởng công nghiệp thành phố; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung, các khu công nghiệp; tổ chức Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng năm 2022...

Công nhân sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu).  Ảnh: KHÁNH HÒA
Công nhân sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA

Ở nhóm ngành sản xuất hàng tiêu dùng, Sở Công Thương tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước; quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Đà Nẵng tham gia vào chuỗi cung cấp của các nhà phân phối; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp theo chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch; đầu tư, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ nghề cá tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang để tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản, gắn hoạt động khai thác với dịch vụ hậu cần, chế biến thủy sản...

Với nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng, sở tập trung đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, động lực; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại thành phố tham gia cung ứng sản phẩm cho các công trình đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách thành phố; xây dựng và triển khai đề án Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050…

Cùng với nỗ lực của các cấp, ngành thành phố, bản thân các doanh nghiệp ngành công nghiệp tiếp tục chủ động có giải pháp để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng đến đạt kế hoạch đã đề ra. Theo ông Huỳnh Trinh, hiện doanh nghiệp đang lo đàm phán đơn hàng cho mùa sản xuất mới; đồng thời, đầu tư đổi mới hệ thống máy móc, trang thiết bị cũng như xây dựng nhà xưởng mới với diện tích 1.400m2 nhằm đáp ứng mục tiêu tăng công suất lên 15-20% so với công suất cũ. Mục tiêu đến cuối năm, công ty đạt doanh thu tăng khoảng 15% so với năm 2021, tốc độ tăng trưởng sản lượng đạt 12%. “Đến tháng 8-9 này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động dù còn nhiều khó khăn nhưng dự báo tình hình sản xuất và xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ tốt hơn. Nhất là khi giá dầu trên thế giới giảm và cũng hy vọng tình hình chính trị trên thế giới ổn định trở lại để chuỗi cung ứng được liền mạch”, ông Trinh nói.

Trong khi đó, với tình hình sản xuất ghi nhận khởi sắc mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) tin tưởng từ nay đến cuối năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tốt hơn với mục tiêu tăng trưởng khoảng 10-15% so với năm 2021. Hiện doanh nghiệp đã đưa vào hoạt động nhà máy mới có diện tích 40.000m2 với sức chứa 1.700 công nhân, nằm tại Khu công nghiệp Hòa Khánh nhằm đáp ứng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp trong 10 năm tới, đáp ứng đơn hàng tăng mạnh từ các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Australia, Pháp, Đức, New Zealand, Nga...

Khởi công xây dựng nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu – Đà Nẵng

Sáng 21-7, Công ty CP Long Hậu khởi công xây dựng công trình nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu - Đà Nẵng giai đoạn 1 (mở rộng) tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Dự án nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu - Đà Nẵng tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng, tổng diện tích 29,6ha, được chia làm 3 giai đoạn. Đến nay, ở giai đoạn 1 của dự án, Công ty CP Long Hậu đã được Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho thuê đất và bàn giao đất với tổng diện tích 11,69ha/29,6ha (lô J4). Công ty đã đầu tư hoàn thiện 2 nhà xưởng và thu hút được 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao thuê lại nhà xưởng từ Nhật Bản là dự án của Công ty TNHH Giải pháp an toàn lao động Hatsuta và dự án của Công ty TNHH Inaba Rubber Việt Nam.

Việc tiếp tục khởi công xây dựng nhà xưởng và hạ tầng với tổng diện tích sàn 10.000m2 (lô J4-03 có diện tích 2.937m2 và J4-04 có diện tích 6.048m2) vào sáng 21-7, nâng tổng diện tích được đưa vào sử dụng tại lô J4 lên 11,69ha, bảo đảm 100% diện tích đã được giao trong giai đoạn 1 sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.