Sáng 14-7, tại hội nghị “Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2022” nhằm định hướng và đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm.
Tuy nhiên, kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025 cho thấy, việc bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025, không xét năng lượng tái tạo chỉ khoảng 18%, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025.
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời là giải pháp quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2025. Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể, để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn xã hội.
KHÁNH HÒA