Hiện nay, nhiều diện tích sản xuất lúa vụ hè thu trên địa bàn thành phố đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông. Bà con nông dân tích cực ra đồng chăm lúa, thực hiện nhiều biện pháp phòng, ngừa sâu bệnh hại, bảo đảm vụ mùa bội thu.
Ông Ngô Văn Thành, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu kiểm tra, phòng ngừa sâu bệnh gây hại cho lúa. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Những ngày này, ông Ngô Văn Thành, nông dân thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) thường xuyên ra đồng xử lý cỏ dại. Trong vụ lúa hè thu, gia đình ông trồng khoảng 2,5 sào lúa (2.500m2). Từ đầu vụ đến nay, ông đã phun thuốc xử lý cỏ 3 lần nhưng đều không hiệu quả. Ngoài gặp vấn đề về cỏ dại phát triển trong ruộng lúa, một số diện tích lúa còn bị rầy nâu rải rác.
Cách đó không xa, lão nông Nguyễn Bá Đào, trú thôn Dương Sơn (xã Hòa Châu) cho biết, so với vụ hè thu năm ngoái, tình hình chuột phá hoại ít hơn. Đến nay, lúa trên những thửa ruộng của gia đình ông vẫn đang phát triển tốt và đợi đến ngày thu hoạch.
Ông Mai Siêng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp 1 Hòa Quý (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, khoảng 4ha diện tích sản xuất lúa của nông dân trên địa bàn bị khô vằn. Hiện hợp tác xã đã phối hợp với cán bộ khuyến nông cùng các đội sản xuất thực hiện biện pháp xử lý dứt điểm bệnh hại, bảo đảm cung cấp đủ nước để lúa phát triển; đồng thời sử dụng vôi để khoanh vùng đối với phần diện tích bị ảnh hưởng nặng, không để lây lan ra các diện tích khác.
Còn ông Ngô Văn Sinh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) thông tin, trong vụ hè thu năm nay, chỉ 10ha/240,5ha diện tích sản xuất lúa bị chuột phá hoại và cỏ mọc nhiều. Đối với các diện tích khác, lúa vẫn đang phát triển ổn định.
Trước tình hình một số diện tích lúa trên địa bàn xuất hiện các loại sâu bệnh hại, gây ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ, UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật phối hợp với các đơn vị khuyến nông tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, kịp thời hướng dẫn nông dân xử lý sâu bệnh hại; vận động nông dân tiếp tục diệt chuột và theo dõi các đối tượng, sinh vật gây hại khác, tránh trường hợp lây lan diện rộng.
Huyện cũng khuyến khích nông dân ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp và hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn, hiệu quả. “Từ đầu vụ, các hồ chứa trên địa bàn đầy nước, cùng với sự chỉ đạo, rà soát của các đơn vị cung cấp nước tưới trong việc xây dựng kế hoạch chống hạn, tăng cường tưới, nhất là các khu vực cuối kênh nên tình hình nước sản xuất cho vụ hè thu vẫn được bảo đảm. Nông dân cần thường xuyên ra đồng kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nếu có sinh vật gây hại trên lúa, bảo đảm vụ sản xuất được mùa”, ông Ca nói.
Theo Chi cục Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời tiết nắng nóng, rải rác chiều tối có mưa giông kết hợp với cây lúa đang giai đoạn xung yếu đã tạo điều kiện cho một số sinh vật hại phát sinh như: bệnh khô vằn (40ha, tỷ lệ hại từ 10-40%), bệnh đen lép hạt, chuột (51,5ha), rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ xít dài…
Phó Chi cục Nông nghiệp Đoàn Văn Bảo cho hay, trước tình trạng này, chi cục đã có thông báo hướng dẫn phòng trừ sinh vật hại trên cây lúa vụ hè thu 2022 cho nông dân. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp với Trung tâm khuyến ngư nông lâm và các địa phương tích cực kiểm tra, theo dõi tình hình để phòng trừ; khoanh vùng xử lý các diện tích lúa bị sinh vật, sâu bệnh gây hại, không để lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ. Người dân và các xã cần chủ động phòng, ngừa, xử lý sâu bệnh hại, không để xảy ra dịch bệnh ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa.
VĂN HOÀNG