Hợp tác xã khó vay vốn tín dụng

.

Các hợp tác xã (HTX) rất cần nguồn vốn để phát triển, mở rộng các dịch vụ sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo thêm việc làm cho lao động. Tuy nhiên, nhiều HTX vẫn khó đáp ứng được yêu cầu và điều kiện vay của tổ chức tín dụng để tiếp cận được vốn vay.

Nhiều hợp tác xã vẫn khó đáp ứng được yêu cầu và điều kiện vay của tổ chức tín dụng để tiếp cận được vốn vay. Trong ảnh: Mô hình sản xuất nấm của Hợp tác xã nấm Nhơn Phước do ông Nguyễn Văn Nhi làm giám đốc. Ảnh: M.Q
Nhiều hợp tác xã vẫn khó đáp ứng được yêu cầu và điều kiện vay của tổ chức tín dụng để tiếp cận được vốn vay. TRONG ẢNH: Mô hình sản xuất nấm của Hợp tác xã nấm Nhơn Phước do ông Nguyễn Văn Nhi làm giám đốc. Ảnh: M.Q

Cần vốn để mở rộng sản xuất

Với quy mô sản xuất hơn 100 tấn rau, hoa, củ, quả mỗi năm, HTX rau, hoa, củ, quả Hòa Vang (xã Hòa Ninh) đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản làm ra sau 5 năm triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tuy vậy, HTX chủ yếu vẫn sản xuất theo mô hình mỗi thành viên tự canh tác.

Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc HTX cho biết, việc mở rộng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay theo tư cách HTX vẫn khó thực hiện vì HTX không có tài sản thế chấp để làm chủ thể vay vốn. Nếu vay vốn với tư cách cá nhân thì lãi suất cao, hồ sơ, thủ tục cũng phức tạp. Theo đó, có nhiều nguyên nhân khiến HTX khó tiếp cận vốn vay như tài sản thế chấp, vốn điều lệ còn thấp…

Hơn 3 năm thành lập và loay hoay với câu chuyện nguồn vốn để mở rộng sản xuất, HTX mắm Bình Minh (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) hiện vẫn sản xuất thủ công tại nhà của 7 xã viên với quy mô khoảng 10.000 lít nước mắm/năm. Nguyện vọng của HTX là nâng công suất lên 1,5-2 lần bằng việc mở rộng xưởng sản xuất với chi phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng nhưng việc tiếp cận vốn vay của HTX không dễ dàng.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc HTX cho biết: “Do không tiếp cận được với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng nên mới đây, 1 xã viên đã lấy sổ đỏ của gia đình để thế chấp vay 300 triệu đồng với lãi suất khoảng 6,12%/năm tại Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Mặc dù nguồn vốn tuy chưa đủ để đầu tư nhưng dù sao vẫn “có còn hơn không”.

Ông Nguyễn Văn Nhi, Giám đốc HTX nấm Nhơn Phước (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho hay, điều kiện vay vốn của HTX tại ngân hàng thương mại khá khó khăn, vì vậy, HTX chỉ tiếp cận vốn tại Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, Quỹ Hỗ trợ nông dân hay Ngân hàng Chính sách xã hội. Mặc dù các tổ chức này yêu cầu tài sản thế chấp để vay vốn nhưng điều kiện đơn giản và lãi suất ưu đãi hơn ngân hàng thương mại, song, hạn chế khi vay vốn tại các tổ chức trên là hạn mức còn thấp.

Tỷ lệ tiếp cận vốn vay thấp

Thời gian qua, ngành ngân hàng thành phố đã tích cực phối hợp với sở, ban, ngành triển khai những cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển tín dụng đối với HTX, hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn vay theo chủ trương, chính sách của Chính phủ. Mặc dù vậy, đến nay, phần lớn các HTX vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, dư nợ đối với đối tượng HTX còn hạn chế. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, số HTX và liên hiệp HTX tiếp cận được vốn ngân hàng còn dư nợ tính đến tháng 7-2022 là 20 khách hàng với tổng dư nợ 64,2 tỷ đồng, chiếm 14,9% tổng số HTX và liên hiệp HTX đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - chi nhánh Nam Đà Nẵng có lượng khách hàng là HTX đông nhất so với các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn thành phố nhưng hiện chỉ có 7 khách hàng với số dư nợ 26,4 tỷ đồng (tính đến ngày 31-7).

Ông Trần Đình Chánh, Giám đốc Agribank - chi nhánh Nam Đà Nẵng chia sẻ, số lượng khách hàng HTX ít ỏi do nhiều nguyên nhân như: HTX còn hạn chế về tổ chức, quản trị điều hành, năng lực quản lý tài chính và đội ngũ cán bộ quản lý chủ yếu theo kinh nghiệm. Mối quan hệ giữa HTX và các thành viên còn thiếu sự gắn kết khiến không ít thành viên tự vay vốn bên ngoài chứ không thông qua HTX. Điều này rất khó khăn trong việc thuyết phục các tổ chức tín dụng trong quá trình thẩm định phương án vay.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Ân, Giám đốc Agribank - chi nhánh Đà Nẵng thông tin, mặc dù là ngân hàng có nhiều khách hàng sản xuất nông nghiệp nhưng riêng HTX lại không có khách hàng nào. Nguyên nhân là HTX, đặc biệt ở khu vực nông nghiệp, còn hạn chế về năng lực tài chính. Muốn vay được vốn để triển khai dự án mới, HTX phải có nguồn vốn đối ứng tối thiểu 20-30% nhưng nhiều HTX không đáp ứng được; sản phẩm chưa có thương hiệu trên thị trường và chưa có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị nên chưa đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thị trường, khó đáp ứng các điều kiện vay vốn.

So với vay vốn từ các ngân hàng thương mại, nhiều HTX cho rằng thủ tục vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (do Liên minh HTX quản lý) đơn giản hơn, lãi suất thấp. Song thực tế, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX vẫn còn nhiều vướng mắc để khách hàng tiếp cận vốn vay.

Bà Phan Võ Thị Hạnh Thủy, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (gọi tắt là quỹ) cho biết, đối tượng cho vay của quỹ là tổ hợp tác, HTX thuộc hệ thống Liên minh HTX thành phố. Theo quy định hiện hành, tổ hợp tác chưa có tư cách pháp nhân nên không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ quỹ. Vì vậy, từ khi thành lập quỹ đến nay, quỹ chưa giải ngân cho bất kỳ tổ hợp tác nào vay vốn. Đồng thời, theo quy định đối với HTX thì chỉ có tài sản hình thành từ vốn góp của thành viên mới đủ điều kiện để thế chấp vay vốn, song đa số HTX đều không có tài sản, nhất là các HTX nông nghiệp, nên không thể tiếp cận được nguồn vốn cho vay ưu đãi từ quỹ. Với số lượng 132 HTX, chưa đến 10% HTX có tài sản hình thành từ vốn góp để thế chấp vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, còn lại hơn 90% các HTX không có tài sản đủ điều kiện thế chấp vay vốn. Để khắc phục những hạn chế này, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã đề xuất UBND thành phố quan tâm, ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ nhằm tạo điều kiện để mở rộng đối tượng cho vay đến HTX, liên hiệp HTX; thành viên của tổ hợp tác và HTX.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.