Kinh tế thành phố 8 tháng tiếp đà tăng trưởng

.

Theo số liệu thống kê công bố, kinh tế 8 tháng năm 2022 của thành phố tiếp đà phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; nhiều chương trình kết nối cung - cầu, giao thương được tổ chức; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp ổn định.

Ảnh: MAI QUẾ - Đồ họa: MAI  ANH  Nguồn: Cục Thống kê thành phố
Ảnh: MAI QUẾ - Đồ họa: MAI ANH Nguồn: Cục Thống kê thành phố

Khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực

Nhiều sự kiện nổi bật được tổ chức trong thời gian qua như: Hội chợ Thương mại - Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2022, Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2022 và giải đấu BRG Open Golf Championship Đà Nẵng 2022… đã tác động không nhỏ đến doanh thu từ hoạt động của ngành du lịch trong 8 tháng của năm 2022 khi lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Nẵng tăng cao so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, tính chung 8 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 11.859 tỷ đồng, tăng 56,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 125,7% so với cùng kỳ. Doanh thu lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch tăng trưởng tốt với doanh thu 8 tháng ước đạt 1.215 tỷ đồng, tăng 483,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường thành phố tiếp tục tăng trưởng với sự phục hồi của các hoạt động thương mại, du lịch nội địa và quốc tế. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng qua ước đạt 70.676 tỷ đồng, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, toàn bộ 12 nhóm hàng hóa bán lẻ đều có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt một số nhóm doanh thu tăng khá cao như: đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 54,8%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 47,0%; hàng may mặc tăng 41,9%; xăng, dầu các loại tăng 34,2%...; tổng mức bán buôn hàng hóa ước đạt 100.636 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng  kỳ. Một số nhóm hàng doanh thu tăng vượt trội như: hàng may mặc tăng 638,6%; nhiên liệu khác không phải xăng, dầu tăng 85,3%; phương tiện đi lại (trừ ô-tô) tăng 48,5%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 43,9%... Về dịch vụ tiêu dùng khác, doanh thu 8 tháng ước đạt 14.475 tỷ đồng, tăng 122,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhờ tận dụng tốt cơ hội từ nhiều thị trường cũng như lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, doanh nghiệp duy trì được những thị trường truyền thống lớn góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 181 triệu USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ 2021; lũy kế 8 tháng ước đạt 1.406,9 triệu USD, tăng 23,4%.

Kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu 8 tháng là cao su thành phẩm ước đạt 79,5 triệu USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ 2021; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 483 triệu USD, tăng 23,5%; hàng dệt may ước đạt 380 triệu USD, tăng 22,2%... Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 128 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ 2021; lũy kế 8 tháng ước đạt 959,6 triệu USD, tăng 9,8%.

Hoạt động sản xuất công nghiệp thành phố đang trên đà phục hồi tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố (IIP) tháng 8-2022 ước tăng 59,6% so với cùng kỳ 2021; lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số IIP thành phố ước tăng 9,3%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,2%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 13,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,1%. Một điểm sáng khác là số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 40,7% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương với 1.754 doanh nghiệp).

Kinh tế 8 tháng năm 2022 của thành phố tiếp đà phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.  Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.Q
Kinh tế 8 tháng năm 2022 của thành phố tiếp đà phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.Q

Nhận diện khó khăn để khắc phục

Bên cạnh những dấu hiệu phục hồi tích cực, theo Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Trần Văn Vũ, một số lĩnh vực kinh tế vẫn còn gặp khó khăn do tác động bởi nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu bị gián đoạn, ảnh hưởng đến mức tăng của chỉ số IIP chung như: sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 25,5%; công nghiệp dệt giảm 13,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 8,8%... Về dịch vụ, lượng du khách các tháng tiếp theo trong năm có xu hướng giảm do kỳ nghỉ hè đã kết thúc.

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng như tiến độ thi công các dự án còn chậm. Song song đó, nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như: giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước có đối tác thương mại lớn… cũng sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế thành phố thời gian tới.

Trước những khó khăn trên, thành phố cũng như các sở, ban, ngành đã chuẩn bị kế hoạch để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tập trung triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư...

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình, sở đang triển khai thực hiện chính sách thu hút các đoàn khách công vụ MICE đến Đà Nẵng trong tháng 9-2022 và xây dựng chương trình hỗ trợ thu hút khách MICE năm 2023. Ngoài ra, sở chuẩn bị tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng năm 2022; chuẩn bị tổ chức chương trình hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Kiên Giang và các tỉnh Tây Nam Bộ; đề xuất chương trình liên kết giới thiệu du lịch 5 tỉnh miền Trung tại tỉnh Đắk Lắk; phối hợp tổ chức chương trình famtrip ở 5 tỉnh miền Trung.

Về sản xuất công nghiệp, thành phố đã tổ chức hội nghị phổ biến và hướng dẫn triển khai chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Đà Nẵng; hoàn thành quy chế làm việc của hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp và bộ tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hòa Nhơn…

Ngoài ra, thành phố vẫn đang triển khai các chính sách hỗ trợ đặc thù về khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chính sách ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, giảm tiền sử dụng hạ tầng tại các khu công nghiệp… cùng với triển khai các chính sách từ Trung ương như thuế, lệ phí để doanh nghiệp tiếp đà tăng trưởng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Thu ngân sách tăng 21,1%
Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phụng, thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp cơ quan đơn vị thực hiện quản lý Nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, trình UBND thành phố triển khai biện pháp bình ổn giá theo thẩm quyền nhằm bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi có biến động bất thường. Về quản lý ngân sách Nhà nước, tính đến ngày 20-8, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 16.650 tỷ đồng, tăng 21,1%; tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 16.172 tỷ đồng, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2021. Sở Tài chính thực hiện quản lý chi ngân sách Nhà nước bảo đảm trong phạm vi dự toán được duyệt, phù hợp với tiến độ thu ngân sách; quản lý các khoản chi đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa chặt chẽ, đúng quy định.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.