Nhiều ngành dịch vụ tăng trưởng cao

.

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2022 của Cục Thống kê thành phố, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất, tương ứng tăng 48,35% trong quý 3-2022 và 21,69% trong 9 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021. Có thể thấy, sự phục hồi của ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, thu hút một lượng lớn khách nội địa, người tiêu dùng đến Đà Nẵng tham quan và mua sắm.  Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Siêu thị Lotte mart Đà Nẵng.Ảnh: M.Q
Các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, thu hút một lượng lớn khách nội địa, người tiêu dùng đến Đà Nẵng tham quan và mua sắm. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại Siêu thị Lotte mart Đà Nẵng. Ảnh: M.Q

“Trụ đỡ” chính của kinh tế thành phố

Lĩnh vực du lịch phục hồi tích cực và bứt phá thể hiện ở số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ 9 tháng năm 2022 trên địa bàn thành phố ước đạt 2,8 triệu lượt, đạt 79,2% kế hoạch năm, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 4.356,7 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt 1.529,8 tỷ đồng, gấp 7,3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Thành phố đã tổ chức thành công Diễn đàn phát triển đường bay châu Á - Routes Asia 2022, triển khai chuỗi các sự kiện văn hóa du lịch, tổ chức Hội chợ du lịch trực tuyến Danang Fantasticity, chương trình lễ hội “Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022”, Giải Golf Phát triển châu Á tại Đà Nẵng và Lễ hội du lịch golf Đà Nẵng .... Công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch Đà Nẵng được quan tâm, trong đó đẩy mạnh xúc tiến thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Về thương mại, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước đạt 48.943,4 tỷ đồng, đạt 76,5% kế hoạch năm, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2021. Các hoạt động thương mại nội địa diễn ra sôi động, nhất là trong những ngày giáp Tết và các đợt nghỉ lễ lớn, thu hút lượng lớn người tiêu dùng đến Đà Nẵng tham quan và mua sắm.

Bên cạnh đó, thành phố đã ban hành đề án nghiên cứu đề xuất hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố, chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm Đà Nẵng gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2022-2025, trên cơ sở đó triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá, các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong năm 2022.

Hoạt động xuất nhập khẩu giữ đà tăng trưởng tốt so với cuối năm 2021 do nhu cầu hàng hóa trên thế giới tăng mạnh, nhất là dệt may, thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 1.629,3 triệu USD, đạt 81,9% kế hoạch năm, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng ước đạt 1.114 triệu USD, đạt 73,5% kế hoạch năm, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động vận tải tăng trưởng khá nhờ thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch phục vụ vận tải khách để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đang gia tăng trong các dịp Tết Nguyên đán, lễ 30-4, 1-5, 2-9 và dịp nghỉ hè.

Thành phố phối hợp xúc tiến khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế đến Đà Nẵng; hoàn thiện các thủ tục để đấu thầu, đưa vào vận hành 5 tuyến xe buýt trợ giá giai đoạn 2 (2022-2027); tổ chức khai trương tuyến vận tải thủy Đà Nẵng - Lý Sơn, công bố bến thủy nội địa CT15, K20 và tuyến thủy nội địa từ bến CT15 đi Hòn Sụp - bãi Nam - bãi Đa. Doanh thu vận tải, kho bãi, bưu chính và chuyển phát 9 tháng năm 2022 ước đạt 17.141,4 tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động thông tin, truyền thông giữ được đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 83,2 triệu USD, đạt 76% kế hoạch, tăng 30%. Hoạt động tài chính ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh, ước đến cuối tháng 9-2022, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 168.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2021; dư nợ các thành phần kinh tế trên địa bàn đạt 207.500 tỷ đồng, tăng 8,23%.

Các chương trình hội chợ, triển lãm trưng bày sản phẩm được Sở Công Thương tổ chức để thúc đẩy hoạt động mua sắm của người dân, cũng như quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong ảnh: Người dân tham quan, mua sắm tại chương trình Quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP Đà Nẵng 2022. Ảnh: M.Q
Các chương trình hội chợ, triển lãm trưng bày sản phẩm được Sở Công Thương tổ chức để thúc đẩy hoạt động mua sắm của người dân, cũng như quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. TRONG ẢNH: Người dân tham quan, mua sắm tại chương trình Quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP Đà Nẵng 2022. Ảnh: M.Q

Thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Để tiếp tục phát huy đà tăng trưởng, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đang triển khai các giải pháp để bảo đảm ngành dịch vụ hoạt động hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, 3 tháng cuối năm, sở hoàn thiện các đề án gồm: phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề án phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đề án quản lý, khai thác tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành đến năm 2030.

Sở phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong quý 4-2022 và năm 2023; kế hoạch thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng (đoạn từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý); kế hoạch thí điểm tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch tại một số bãi biển dọc tuyến biển đường Hoàng Sa - đường Võ Nguyên Giáp - đường Trường Sa và đường Nguyễn Tất Thành.

Về công tác xúc tiến du lịch, sở tiếp tục phối hợp các hãng hàng không, cảng hàng không để xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng và tổ chức đón khách quốc tế theo kế hoạch của các hãng bay; tổ chức chương trình đầu năm mới và tập trung truyền thông các hoạt động nhân dịp năm mới 2023, tiếp tục phát động cuộc thi check in du lịch Đà Nẵng “Enjoy Danang - Take me to the Sun” trên các nền tảng mạng xã hội.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, cho biết đang tập trung chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cụ thể là chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN, Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16-8-2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Về thương mại, Sở Công Thương tập trung vào các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu; phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tập huấn về các hiệp định thương mại tự do theo các kế hoạch và chương trình của Bộ Công Thương.

Sở Giao thông vận tải tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động các phương tiện tàu thuyền du lịch tham gia giao thông đường thủy nội địa, cầu cảng bảo đảm an toàn, đặc biệt trong mùa mưa bão; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các bãi đỗ xe đang triển khai. Sở tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.