Quy hoạch phân khu sân bay lấy logistics làm đòn bẩy phát triển

.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang phối hợp Công ty CP Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam lập quy hoạch phân khu Sân bay TL1/2000. Đồ án đang được lấy ý kiến cộng đồng dân cư để triển khai các bước tiếp theo. Nội dung đồ án quy hoạch phân khu xác định lấy dịch vụ logistics làm đòn bẩy phát triển kinh tế.

Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng là điểm lõi của phân khu sân bay. Ảnh: THÀNH LÂN
Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng là điểm lõi của phân khu sân bay. Ảnh: THÀNH LÂN

Vùng đô thị mới giữa trung tâm thành phố

Căn cứ theo đồ án Quy hoạch chung điều chỉnh thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 359/QĐTTg ngày 15-3-2021, phân khu Sân bay thuộc vùng lõi xanh, được giới hạn bởi đường Cách mạng Tháng Tám về phía nam; đường Trường Chinh phía tây; đường Điện Biên Phủ phía bắc; đường Nguyễn Tri Phương và đường Nguyễn Hữu Thọ phía đông.

Theo đó, phân khu bao gồm địa giới hành chính tại quận Hải Châu có các phường: Hòa Cường Bắc, Hòa Thuận Tây; tại quận Thanh Khê có các phường: Thạc Gián, Chính Gián, Hòa Khê, An Khê và quận Cẩm Lệ có các phường: Khuê Trung, Hòa Thọ Đông, Hòa Phát. Đây là khu vực bố trí Sân bay quốc tế Đà Nẵng và cụm logistics hiện đại mới để phát triển thành một trung tâm công cộng tại Đà Nẵng.

Hiện nay, đây là khu vực có nhiều dự án đang triển khai và chuẩn bị triển khai cũng như có nhiều dự án đang cần lập quy hoạch phân khu để xác định cụ thể các chức năng sử dụng cho từng khu đất…

Do vậy, việc lập đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu Sân bay, tỷ lệ 1/2000 là cần thiết, phù hợp với các quy định về pháp luật, làm cơ sở lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết, xác định các dự án đầu tư xây dựng và phục vụ công tác quản lý xây dựng đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực quy hoạch nói riêng và thành phố nói chung.

Theo đồ án quy hoạch, phân khu Sân bay được định hướng phát triển theo mô hình phát triển “đô thị sân bay”. Cụ thể, đô thị lấy sân bay làm trung tâm, các đơn vị ở, công trình thương mại, dịch vụ và các khu chức năng đô thị khác được bố trí xung quanh. Định vị các hướng liên kết theo trục đông - tây có tăng cường liên kết trong nội bộ đô thị sân bay và với các phân khu đô thị khác.

Theo đó liên kết giữa phân khu đô thị Sân bay và phân khu ven sông Hàn và bờ Đông; liên kết với phân khu lõi xanh… Về cấu trúc đô thị dựa trên khung giao thông và hệ thống hồ điều hòa của khu vực, đặc biệt trọng tâm là Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng. Định hướng quy hoạch phân khu Sân bay thành 4 khu vực phát triển chính. Khu vực 1 gồm Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ quốc tế vào miền Trung; khu vực 2 là khu vực cửa ngõ sân bay phía đông với định hướng phát triển công cộng, thương mại dịch vụ, phát triển các khu vực miễn thuế để dần dần sẽ hình thành mô hình “đô thị sân bay”; khu vực 3 là khu đô thị phía nam tập trung tái thiết đô thị, đầu tư nâng cấp, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị; khu vực 4 là khu đô thị phía tây bắc sẽ được chỉnh trang, tái thiết đô thị, nâng cấp bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị.

Quy hoạch các điểm nút, đầu mối giao thông, trong đó có tuyến giao thông ngầm theo hướng đông tây dọc theo trục tuyến đường Trưng Nữ Vương.
Quy hoạch các điểm nút, đầu mối giao thông, trong đó có tuyến giao thông ngầm theo hướng đông tây dọc theo trục tuyến đường Trưng Nữ Vương.

Ưu tiên khai thác không gian ngầm

Với tính chất đô thị giữa đô thị và định hướng phát triển theo mô hình đô thị sân bay, quy hoạch phân khu Sân bay ưu tiên khai thác không gian ngầm. Khu vực quy hoạch có hơn 50% là diện tích nằm trong khu vực sân bay nên việc quy hoạch không gian ngầm là rất cần thiết.

Theo đó, bố trí không gian ngầm tại các các lô đất thương mại dịch vụ, công cộng, bệnh viện; bố trí không gian ngầm với toàn bộ đất thương mại dịch vụ và công trình công cộng cấp đô thị bảo đảm mỗi vị trí đều có bãi xe ngầm phục vụ riêng cho công trình, tăng diện tích cảnh quan cây xanh trên bề mặt.

Các bãi đỗ xe cũng sử dụng không gian ngầm để tối ưu hóa không gian sử dụng. Về độ sâu, quy hoạch chia làm 3 lớp với công năng riêng: lớp nông (0-5m) phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm như lối vào tầng hầm, hầm đi bộ; lớp trung bình (5-15m) để xây công trình công cộng, bãi đỗ xe ngầm; lớp sâu (trên 15m) xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đặc biệt có quy hoạch tuyến giao thông ngầm theo đường Trưng Nữ Vương đi ngang qua sân bay được ngầm hóa, kết hợp với tuyến tàu điện ngầm MRT.

Về thiết kế đô thị trên cơ sở xác định chức năng sử dụng đất sẽ lập các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, quy định giới hạn về chiều cao xây dựng trong phân khu Sân bay phụ thuộc vào quy định về tĩnh không sân bay, phễu bay.

Cụ thể, đối với công trình nhà ở riêng lẻ tầng cao tối đa 5 tầng; đối với công trình công cộng đơn vị ở tầng cao tối đa 3 tầng. Đối với công trình công cộng, thương mại dịch vụ, chung cư được phép xây dựng chiều cao tối đa theo sơ đồ giới hạn chiều cao sân bay, tuy nhiên không được vượt quá 45m.

Đối với các công trình nhà ga cảng hàng không, các công trình phục vụ sân bay, logistics, các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng chiều cao tương ứng theo sơ đồ giới hạn chiều cao sân bay.

Quy hoạch cũng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với trọng tâm là Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và cụm logistics hiện đại mới. Định hướng phát triển các khu vực quy hoạch với việc kết hợp các đặc trưng hiện có như hệ thống cây xanh mặt nước, các công trình công cộng, thương mại dịch vụ, các khu dân cư ổn định thông qua các không gian công cộng, giao thông, các không gian chuyển tiếp được tổ chức, kết nối liên tục tạo nên mô hình đô thị sân bay. Đồng thời tái thiết các khu vực trung tâm đô thị hiện hữu, xác định các công trình thương mại dịch vụ, công trình công cộng điểm nhấn để tạo nên hình thái, cấu trúc đô thị.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.