Đồng hành với doanh nghiệp vượt khó

.

Số lượng đơn hàng sụt giảm, chi phí nguyên liệu, cước vận chuyển tăng cao... là những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, phải cắt giảm số lượng lao động hoặc cho nghỉ việc luân phiên.

Công nhân Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng tăng tốc hoàn thiện đơn hàng cuối năm. Ảnh: QUỲNH TRANG
Công nhân Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng tăng tốc hoàn thiện đơn hàng cuối năm. Ảnh: QUỲNH TRANG

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp giảm giờ làm việc

Chị T.T.H (40 tuổi, quê Quảng Ngãi) làm công nhân cho một công ty may mặc trong Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) được 7 năm. Trước đây, công việc của chị khá ổn định với mức thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng/tháng. Cuối năm nay, công ty thông báo giảm mạnh đơn hàng sản xuất, chị và nhiều công nhân khác bị cắt giảm giờ làm trong khi đây là thời điểm người lao động mong được tăng ca nhất để có thêm tiền về quê đón Tết sắp đến.

Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu Nguyễn Văn Chín cho biết, hiện 150 công nhân của công ty đã phải giảm giờ làm do tình hình nguyên liệu không có. Công nhân chỉ làm việc 2-3 ngày/tuần, còn lại nghỉ hưởng 70% lương cơ bản. “Đây là vấn đề xảy ra hằng năm, thời tiết xấu nên ngư dân ít ra khơi, nguồn nguyên liệu ít ỏi hiện nay chủ yếu được các doanh nghiệp thủy sản lớn thu mua nên công ty rơi vào trạng thái “ngủ đông”.

Nếu thời tiết như các năm trước thì khoảng 2-3 tháng nữa công ty mới sản xuất bình thường trở lại”, ông Chín nói. Tương tự, các công ty ở trong Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang cũng cắt giảm giờ làm như: Công ty CP Thủy sản Đà Nẵng giảm 30 giờ/tuần, Công ty TNHH Hải Thanh giảm 12 giờ/tuần, Chi nhánh Công ty CP Thủy sản Anh Minh tại Đà Nẵng giảm bớt người lao động thời vụ, Công ty TNHH Lâm sản Việt Lang, Công ty CP Lâm sản xuất khẩu… cắt giảm làm việc vào thứ Bảy, cũng như không tăng ca các ngày trong tuần.

Ông Huỳnh Trinh, Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu thông tin, lượng đơn hàng hiện giảm 50% so với cùng kỳ tháng 11 năm trước, chỉ còn hợp đồng sản xuất với các đối tác tới tháng 3-2023 nên công ty đang tích cực đàm phán để ký kết đơn hàng mới. Tuy vậy, tình hình hiện không mấy khả quan do việc tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng cũ đã ký khá ảm đạm.

Còn Công ty TNHH Sản xuất găng tay và sản phẩm bảo hộ lao động (Khu công nghiệp Đà Nẵng) hiện có một số lao động nghỉ không lương, Công ty CP Sản xuất thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng bắt đầu từ tháng 11 giảm 1 giờ làm việc/ngày so với đầu năm 2022, còn lại 6 giờ/ngày, dự kiến tháng 12 sẽ cho người lao động nghỉ thứ Bảy…

Công ty CP Dệt Hòa Khánh cũng bị hư hại máy móc sau ảnh hưởng của mưa lũ, dẫn đến công ty ngưng sản xuất trong gần 2 tuần tháng 10 vừa qua. Bà Hồ Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Nhân sự công ty cho biết, tuy công ty đã sản xuất trở lại nhưng tình hình đơn hàng vẫn chưa dồi dào, hợp đồng mới cho năm 2023 vẫn chưa ký thêm.

Công nhân Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng tăng tốc hoàn thiện đơn hàng cuối năm. Ảnh: QUỲNH TRANG
Công nhân Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng tăng tốc hoàn thiện đơn hàng cuối năm. Ảnh: QUỲNH TRANG

Sát cánh cùng người lao động

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã liên hệ với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, phối hợp các ngành hỗ trợ. Chủ tịch Công đoàn Ban quản lý Nguyễn Thành Trung, cho biết đến thời điểm này, đơn vị đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện, thời gian làm việc; đồng thời tăng cường nắm tình hình ở cơ sở, kịp thời phát hiện, thông báo và phối hợp cơ quan chức năng đến làm việc với những đơn vị nợ lương, nợ bảo hiểm, nhận định khả năng chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản. Ban quản lý cũng thường xuyên nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động, truyền thông rộng rãi về các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên và người lao động của các cấp Công đoàn.

Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, thông thường dịp cuối năm, số lượng vị trí, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp không nhiều bằng đầu năm, số lượng người tìm việc làm cũng tương đối ít. Sở thường xuyên nắm thông tin biến động tình hình lao động trên địa bàn và theo kế hoạch, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo sở vào ngày 5-12 tới.

Mặt khác, sở phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng theo dõi sát tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; tham gia tham vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn. Đồng thời có giải pháp giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng của người lao động; các cam kết của doanh nghiệp với người lao động; yêu cầu các doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động, thời gian nghỉ Tết.

Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, cho biết đã chỉ đạo các đơn vị Công đoàn cơ sở nắm tình hình và có báo cáo doanh nghiệp đang có tình trạng cho người lao động nghỉ không lương hoặc giảm giờ làm so với hợp đồng. Qua khảo sát, có khoảng vài chục doanh nghiệp rơi vào tình trạng trên với nguyên nhân ít đơn hàng hoặc không có đơn hàng.

Trước tình hình đó, Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn cơ sở thương lượng với người sử dụng lao động về chế độ chính sách cho những người lao động rơi vào tình trạng trên, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để có hướng hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, không chỉ các lao động của các công ty có ít đơn hàng mà cả những lao động chưa có việc làm do ảnh hưởng của Covid-19 đến nay.

“Liên đoàn Lao động thành phố đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động, trong đó có tham mưu UBND thành phố quan tâm đến đối tượng là người lao động mất việc, bị cắt giảm giờ làm việc để động viên người lao động vượt qua khó khăn”, ông Nguyễn Duy Minh cho hay.

Theo Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, dự kiến, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4-2022 khoảng 32% số doanh nghiệp hoạt động tốt, 75% số doanh nghiệp hoạt động ổn định, 7% số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn do nguồn nguyên liệu, ít đơn hàng. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nhất tập trung vào các ngành hàng như: dệt may, thủy sản, gỗ... Qua khảo sát, khoảng 30% doanh nghiệp ngành thủy sản gặp khó khăn do đặc thù ngành thủy sản thiếu nguyên vật liệu mùa cuối năm.

QUỲNH TRANG - MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.