Ngân hàng Thương mại CP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đang rao bán quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất, kinh doanh với diện tích 3.180m2 cùng toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đối với dự án Bến xe khách liên tỉnh phía nam thành phố của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Vậy việc này liệu có ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển bến bãi giao thông?
Bến xe phía nam gần như không hoạt động. Ảnh: THÀNH LÂN |
Tháng 9-2012, bến xe phía nam được xây dựng tại thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, ngay cạnh quốc lộ 1A và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Dự án này rộng 6,3ha, với tiêu chuẩn bến xe loại 1, có tổng vốn đầu tư hơn 130 tỷ đồng với năng lực phục vụ 800 - 1.000 lượt xe xuất bến/ngày. Tuy nhiên, từ đó đến nay, do nhiều nguyên nhân và vướng mắc về quy hoạch phân luồng, phân tuyến vận tải nên bến xe gần như bị bỏ hoang và xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí tài sản và đất đai.
Mới đây, VietinBank rao bán quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh với diện tích 3.180m2 và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại bến xe phía nam Đà Nẵng (Bến xe Đức Long Đà Nẵng). Vậy, việc này có ảnh hưởng đến quy hoạch bến xe hay không?. Qua trao đổi với lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) được biết, việc rao bán không ảnh hưởng gì đến quy hoạch bến xe bởi mục đích công trình giao thông đầu mối (bến xe) không thay đổi. Thời gian qua, sở cũng đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bến xe hoạt động hiệu quả hơn... Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng chưa hoàn thành thủ tục về hoạt động bến bãi theo quy định của ngành GTVT.
Dự án bến xe phía nam khởi công xây dựng vào năm 2012, khánh thành đưa vào khai thác từ năm 2014. Bến xe ban đầu đã được xây dựng khang trang, đầy đủ các hạng mục: nhà chờ, phòng bán vé, bãi đỗ xe theo tuyến, các công trình dịch vụ tiện ích, nhà nghỉ, trạm y tế, quầy vé… Thế nhưng, sau 2 năm đưa vào hoạt động, bến xe phía nam hoạt động không hiệu quả, chỉ có vài lượt xe xuất bến mỗi ngày, chủ yếu là tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn. Hiện tại, toàn bộ công trình với nhiều hạng mục đã xuống cấp, các hệ thống cửa, ghế ngồi, quầy bán vé, tường phía bên trong bị hỏng, thấm dột, xuống cấp, bụi phủ kín mọi nơi… Cả nghìn mét vuông diện tích đất xung quanh công trình chính cỏ dại mọc cao hơn đầu người. Trong bãi đậu xe, chỉ có một số xe buýt trợ giá, xe container đỗ và một số doanh nghiệp thuê mặt bằng tập kết hàng hóa với vài nhân viên bảo vệ trông coi bến xe, hàng hóa. Nhiều người dân xung quanh còn chăn thả bò vào trong khuôn viên bến xe...
Theo lãnh đạo Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe trung tâm Đà Nẵng, hiện phía công ty đang tạm thời quản lý hoạt động của bến xe phía nam, còn lại hạ tầng vẫn thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, cũng như chủ đầu tư cần sớm giải quyết những bất cập khó khăn để “cứu” hạ tầng cơ sở; sau đó tính đến các phương án lâu dài hơn...
Được biết, theo chủ trương ban đầu, bến xe phía nam được xây dựng với mục đích thu hút các doanh nghiệp đăng ký khai thác, sử dụng cơ sở vật chất tại bến xe để phục vụ hành khách có nhu cầu đi lại ở tuyến Tây Nguyên và các tỉnh phía nam nhưng việc không có xe khách tuyến cố định hoạt động khiến bến xe trăm tỷ trở nên nhếch nhác, hoang phí. Hiện nay chỉ có các loại xe tải dùng sân bến xe làm nơi đậu, đỗ. Cách đây hơn 2 năm, bến xe trở thành điểm đưa đón khách của tuyến xe buýt số 7 của thành phố từ bến xe buýt đường Xuân Diệu đến bến xe phía nam nhưng nay đang ngừng hoạt động do ảnh hưởng của Covid-19.
THÀNH LÂN
Ông Nguyễn Tường Cọt, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLGL), cho biết việc thoái vốn và chuyển nhượng tại các công ty con là bước đi trong lộ trình tái cấu trúc toàn diện của DLGL, trong đó có việc lần lượt rút lui khỏi các dự án đầu tư kém hiệu quả. Đây là việc làm thường thấy ở các công ty, tập đoàn không chỉ ở nước ta mà cả các quốc gia khác trên thế giới, qua đó giúp doanh nghiệp giảm nợ ngân hàng, giảm chi phí tài chính doanh nghiệp. (NAM PHƯƠNG) |