Nâng cao hiệu quả công tác quản lý kiến trúc đô thị

.

 ĐNO - Ngày 9-12, Vụ quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng), Viện Kiến trúc quốc gia phối hợp Sở Xây dựng thành phố tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý kiến trúc đô thị”.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý kiến trúc đô thị”. Ảnh: C.T
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý kiến trúc đô thị”. Ảnh: C.T

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung trao đổi các vấn đề thực trạng công tác xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị tại các địa phương trong cả nước; xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị - góc nhìn từ thiết chế văn hóa và xã hội học đô thị; lập quy chế quản lý kiến trúc - bài học thực tiễn từ kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng.

Theo TS.KTS Nguyễn Tất Thắng, Viện Kiến trúc quốc gia, hiện nay, Việt Nam có tốc độ phát triển đô thị vượt bậc, trong đó nhiều đô thị có quy hoạch và phong cách kiến trúc độc đáo như: Phú Mỹ Hưng, Phúc Khang, Vinhome… Bên cạnh đó, cũng có một số đô thị thiếu bản sắc, có xu hướng đồng nhất hóa về hình thái, cấu trúc và diện mạo kiến trúc.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa mất kiểm soát dẫn đến nhiều đô thị gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, mật độ cư trú quá tải, thiếu thốn các tiện ích thuộc hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thiếu vắng cây xanh và mặt nước.

“Quy hoạch đô thị cần lưu ý 3 vấn đề lớn là bảo tồn, môi trường và phát triển; đồng thời phải tôn trọng ý kiến của cộng đồng xã hội trong mọi kiến tạo, đặc biệt đối với các đô thị lịch sử, di sản, hiện hữu. Trong việc xây dựng quy chế quản lý, quản trị và vận hành cần chú ý đến vấn đề kinh tế đô thị, tuân thủ nghiêm ngặt chỉ tiêu mật độ dân số, khống chế mật độ cư trú.

Ngoài ra, cần ban hành tiêu chuẩn về nghệ thuật và thiết kế không gian công cộng, lưu ý đến việc kết nối các hệ sinh cảnh đi đôi với hoàn chỉnh các thiết kế thuộc hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị như: vỉa hè, cây xanh, công viên, giao thông công cộng”, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh.

Về quy hoạch quản lý kiến trúc, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, Viện Kiến trúc quốc gia cho biết quy chế quản lý kiến trúc là một công cụ pháp luật mới, quy định trong Luật Kiến trúc, cùng với “Danh mục các công trình kiến trúc có giá trị” được kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng quản lý nhà nước trong việc bảo vệ các công trình kiến trúc và cảnh quan đô thị có giá trị. Đồng thời, kiến tạo không gian kiến trúc, cảnh quan có chất lượng, từ tổng thể đến chi tiết cho các thành phố ở Việt Nam trong tiến trình phát triển. 

LÊ VƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.