Sớm hoàn thành dự án Bến cảng Liên Chiểu, đem lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội cho Đà Nẵng và các địa phương lân cận

.

ĐNO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt, nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, đốc thúc để dự án Bến cảng Liên Chiểu sớm hoàn thành, đem lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội cho Đà Nẵng và các địa phương lân cận. Đó là phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khởi công dự án Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung vào sáng 14-12.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố bấm nút khởi công dự án Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Ảnh: THÀNH LÂN
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố thành phố bấm nút khởi công dự án Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Ảnh: THÀNH LÂN

Sáng 14-12, tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, UBND thành phố tổ chức lễ khởi công xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung.  

Tham dự buổi lễ về phía Trung ương và các tỉnh, thành phố có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. 

Về phía thành phố có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành, quận, huyện...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buỗi lễ. Ảnh: THÀNH LÂN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buỗi lễ. Ảnh: THÀNH LÂN

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Cảng Đà Nẵng đã từng có một quá khứ vàng son trên con đường giao thương hàng hải quốc tế, không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn là có vị trí “yết hầu” về quốc phòng - an ninh của đất nước.

Khi đất nước được thống nhất, Cảng Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, đang từng bước được đầu tư kể cả khu bến Tiên Sa, cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà) và khu bến Liên Chiểu.

Đây là bước đi cụ thể, thiết thực, nhằm hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là: "Trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; để đến năm 2045, “Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.

Ý nghĩa của dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung nhằm tới mục tiêu nâng cấp cảng biển Liên Chiểu đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5,0 triệu tấn/năm giai đoạn đầu và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo.

Qua đó, giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng; tăng cường kết nối vùng và liên vùng, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của thành phố Đà Nẵng với nhiều nỗ lực, cố gắng để vượt qua khó khăn thách thức, đưa Đà Nẵng có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh.

Kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng nhanh (top 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước), cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế… đều phát triển với tốc độ cao.

Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.

Chủ tịch nước đề nghị chính quyền, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan triển khai dự án không thất thoát, không tham nhũng, đúng tiến độ và đưa vào sử dụng năm 2025; đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới;

Qua đó, đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng; bảo đảm tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan; đào tạo nguồn nhân lực cảng biển và logistics một cách tương xứng với quy mô và yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực phải chuẩn bị trước một bước so với việc đầu tư hạ tầng cảng biển.

Đồng thời thu hút các nguồn hàng ở khu vực Đông Nam Á và thế giới đến với cảng. Chủ tịch nước cũng đề nghị: "Cảng Đà Nẵng có tên tuổi toàn cầu, vậy cảng Liên Chiểu có đặt tên là Cảng Đà Nẵng hay không, việc này thành phố xem xét nghiên cứu.

Cùng với đó, chính quyền thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt, nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, đốc thúc để dự án sớm hoàn thành, đem lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội cho Đà Nẵng và các địa phương lân cận.

Đây là dự án lớn, cả quy mô và tổng mức đầu tư, liên quan đến 4.324 hộ dân, chúng ta cần chú ý làm nhanh, làm sớm, làm chất lượng để dân sớm ổn định cuộc sống, khâu kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc là rất quan trọng.

Cần sớm nghiên cứu triển khai để đầu tư các hạng mục còn lại của bến cảng, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, góp phần đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới". 

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: THÀNH LÂN
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: THÀNH LÂN

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, việc đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; đồng thời cũng là mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm logistics, là thành phố cảng biển theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị.

Trong đó, dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - phần cơ sở hạ tầng dùng chung được khởi công hôm nay là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, Sơn Trà, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và trong khu vực...

Việc triển khai dự án không chỉ là mong muốn của lãnh đạo thành phố mà là cả toàn thể nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (đơn vị được giao làm chủ đầu tư) tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tổ chức quản lý, điều hành dự án bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật; cùng với các nhà thầu thực hiện nghiêm túc những nội dung các bên đã cam kết tại buổi lễ hôm nay và theo Hợp đồng đã được ký kết.

Ban quản lý tăng cường ứng dụng công nghệ, các giải pháp kỹ thuật hiện đại, cải tiến phương thức thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai đồng thời bảo đảm an toàn lao động, tuân thủ các giải pháp bảo vệ môi trường, phấn đấu hoàn thành các hạng mục sớm hơn tiến độ đề ra, bảo đảm chất lượng công trình.

Các sở, ban, ngành có liên quan trong phạm vi, chức năng của mình tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện tốt dự án..

Theo Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Lê Thành Hưng, ngày 25-3-2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 435/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Đến ngày 18-4-2022, UBND thành phố phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng biển Liên Chiểu và đường ven biển nối cảng Liên Chiểu trên tổng diện tích gần 470ha.

Theo đồ án quy hoạch đã điều chỉnh, tổng diện tích khu cảng biển Liên Chiểu 450ha, với ranh giới vị trí như sau: phía bắc giáp đèo Hải Vân, phía nam giáp cửa sông Cu Đê, phía đông giáp vịnh Đà Nẵng và phía tây giáp đường tránh nam Hải Vân...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (thứ 2 từ phải sang) và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (thứ 3 từ phải sang) cùng lãnh đạo thành phố nghe Giám đốc BanQuản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Lê Thành Hưng, báo cáo tình hình triển khai dự án. Ảnh: THÀNH LÂN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (thứ 2, bên phải sang) và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (thứ hai, bên trái sang) cùng lãnh đạo thành phố nghe Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Lê Thành Hưng báo cáo tình hình triển khai dự án. Ảnh: THÀNH LÂN

Ngày 22-6-2022, UBND thành phố phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, với quy mô đầu tư xây dựng đê chắn sóng, kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chứa 6.000 - 8.000 TEUS, cụ thể: kè chắn sóng và đê chắn sóng có chiều dài khoảng 1.170m (kè chắn sóng dài 573m, đê chắn sóng dài 597m).

Luồng tàu dài khoảng 7,3km, chiều rộng luồng tàu 160m, cao độ đáy nạo vét -14,0m (hệ hải đồ), bố trí khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải. Hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng của khu vực bến cảng khởi động.

Cùng với đó đường giao thông kết nối đến cổng cảng gồm 2 đoạn: đoạn 1 từ cổng cảng đến chân cầu vượt đường sắt dài 1,2km, quy mô 6 làn xe, bề rộng 30m; đoạn 2 bao gồm các nhánh thuộc phạm vi nút giao, nối tiếp với đoạn 1 và đường Nguyễn Văn Cừ (quốc lộ 1A), mỗi nhánh gồm 2 làn xe, bề rộng 8m.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (thứ 4 từ phải sang) và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (thứ 5 từ phải sang), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 2 từ phải sang) cùng lãnh đạo bộ, ngành, thành phố xem thực địa nơi xây dựng Bến cảng Liên Chiểu. Ảnh: THÀNH LÂN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (thứ 4, bên phải sang) và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (thứ 5, bên phải sang), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 2, bên phải sang) cùng lãnh đạo các bộ, ngành và thành phố xem thực địa nơi xây dựng Bến cảng Liên Chiểu. Ảnh: THÀNH LÂN

Đây là công trình giao thông, dự án nhóm A với tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố Đà Nẵng.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.
Dự án Caraworld Cam Ranh Nha TrangMở bán The Matrix One