Hơn 1 tháng nữa là đến Tết Quý Mão 2023, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố tích cực chăm sóc, tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi để cung ứng nguồn thịt ra thị trường. Tuy nhiên, thời điểm này, thị trường thịt gia súc có nhiều biến động, người chăn nuôi heo đang thấp thỏm, lo âu vụ cuối năm.
Theo tiểu thương, sức mua thịt heo tươi trong tháng cao điểm chậm do nguồn thịt đông lạnh ở các chợ nhiều, giá rẻ hơn. TRONG ẢNH: Khách mua thịt heo tại chợ đầu mối Hòa Cường. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Giá thịt heo hơi giảm
Từ tháng 5-2022, chị Nguyễn Thị Xuân Trang (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương) tái đàn heo sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Đến nay, gia đình chị đã xuất bán lứa heo 18 con. Tổng đàn heo hiện tại còn 23 con, trong đó, 12 con heo thịt sẽ tiếp tục được xuất bán với trọng lượng 75-80kg/con; 11 con đã nuôi được 3 tháng, dự kiến xuất bán trong dịp Tết sắp đến. Chị Trang cho biết, mọi năm, vào thời điểm này, tổng đàn heo của gia đình có thể lên đến 50 con. Tuy nhiên, sau đợt dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn, chị cùng nhiều người chăn nuôi khác trong vùng có tâm lý lo ngại, số lượng heo cũng giảm.
Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao so với mọi năm, chị Trang phải cân đối lượng thức ăn để bảo đảm sự tăng trưởng và tiết kiệm chi phí. Theo đó, khoảng 2 tháng đầu, chị Trang sử dụng cám công nghiệp cho heo con ăn với chi phí khoảng 590.000 đồng/bao loại 25kg. “Giá cám ngày càng tăng cao trong khi giá heo hơi giảm mạnh, chỉ còn dưới 55.000 đồng/kg. Nếu không tận dụng các nguồn thức ăn khác, các hộ chăn nuôi chắc chắn không có lãi”, chị Trang nói.
Ở xã Hòa Khương, tại vùng chăn nuôi heo thôn Phú Sơn Nam, ông Phan Nghĩa đang nuôi khoảng 70 con heo, xuất bán khoảng 2 tháng/lần và tái đàn thường xuyên. Dự kiến trong dịp Tết Quý Mão năm nay, ông sẽ bán cho thương lái khoảng 30 con heo thịt. Theo ông Nghĩa, 6 tháng đầu năm, mức giá heo hơi ở khoảng 60.000- 62.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, do biến động của thị trường, mức giá heo hơi hiện nay được thương lái thu mua chỉ còn 50.000-52.000 đồng/kg, có thời điểm bị ép còn khoảng 48.000-50.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi không có lãi, thậm chí đang bị lỗ vốn. Đây được cho là bất thường đối với nghề chăn nuôi trong những tháng cuối năm nay, bởi những năm trước thời điểm trước Tết khoảng 1-2 tháng, giá heo hơi thường tăng dần theo nhu cầu của thị trường.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, tính đến đầu tháng 12-2022, toàn huyện có 17.194 con heo, tập trung chủ yếu ở các địa phương như: xã Hòa Tiến 3.850 con, xã Hòa Khương 3.332 con, xã Hòa Phú 4.400 con, xã Hòa Bắc 2.620 con… Ngay từ đầu năm, các hộ chăn nuôi đã tái đàn trở lại sau thời gian dài dịch bệnh. Đến nay, tình hình chăn nuôi heo tại các hộ và trang trại lớn trên địa bàn vẫn ổn định, không xảy ra các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm.
Nhu cầu tiêu dùng chưa tăng
Bà Phan Thị Tiền, tiểu thương quầy hàng thịt heo tại chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu) cho hay, mặt hàng thịt heo hiện nay bán khá chậm nên các quầy cũng không tăng giá nhiều. Bên cạnh đó, lượng khách mua ít nên tiểu thương các quầy thịt cũng lấy hàng nhiều như trước vì sợ ế. Nếu so với tháng trước, giá thịt heo ở chợ khá ổn định. Thời điểm tháng 7, tháng 8, giá thịt heo lên đến gần 200.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã giảm rất nhiều, chỉ còn ở mức 130.000-160.000 đồng/kg.
“Vấn đề chính là thu nhập của người dân không tăng trong khi vật giá cái gì cũng tăng. Do nguồn thu nhập hạn chế nên khách hàng mua cái gì trong khả năng chi tiêu; kéo theo nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm trong khi giá thịt gà công nghiệp và cá phù hợp hơn với thu nhập người tiêu dùng”, bà nói.
Mọi năm, giá heo hơi sẽ tăng dần từ thời điểm cuối tháng 11 đến trước Tết Nguyên đán do các công ty chế biến tăng cường thu mua, chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay giá heo hơi những ngày qua lại trồi sụt ở mức thấp. Đại diện một đơn vị kinh doanh thực phẩm chế biến trên địa bàn cho biết, thị trường Tết thường sôi động trước 1-2 tháng, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng chế biến, nhờ đó giá tăng dần đến Tết. Nhưng năm nay, người dân chưa chuẩn bị Tết và chi tiêu cũng hạn chế hơn do kinh tế khó khăn. Thế nên, với hàng thực phẩm chế biến, khả năng sức mua chỉ sôi động khoảng 20 ngày trước Tết và hàng tươi sống chỉ tăng mạnh vào khoảng 1 tuần trước Tết.
Theo các tiểu thương ngành hàng thịt heo, một trong những nguyên nhân khiến sức mua thịt heo trong tháng cao điểm này chậm lại là do thịt đông lạnh nhập khẩu tại các chợ rất nhiều với giá rẻ hơn so với thịt heo tươi từ 10.000-30.000 đồng/kg. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Đà Nẵng (Chi cục Nông nghiệp), sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu qua hai trạm kiểm dịch đầu mối giao thông của thành phố đến cuối tháng 11-2022 khoảng 4.419 tấn (trung bình khoảng 401,7 tấn/tháng), tăng khoảng 22% so trung bình tháng của năm 2021 (328,9 tấn/tháng).
Hiện nay, ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do hiệu quả chăn nuôi thấp, vì vậy, các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ cần tăng cường các biện pháp kiểm soát nguồn sản phẩm động lạnh nhập khẩu vào thị trường trong nước (kể cả nguồn nhập khẩu chính ngạch và từ các nguồn khác…); cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch về giá các loại sản phẩm chăn nuôi; dự báo thông tin về nguồn cung, nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trong nước để người dân biết và điều chỉnh hoạt động sản xuất chăn nuôi trong từng giai đoạn.
Tình hình chăn nuôi ổn định Theo Chi cục Nông nghiệp thành phố, tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố đang ổn định, không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi, các hộ chăn nuôi cần tuân thủ những khuyến cáo và áp dụng tốt các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh. Trong đó, cần cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi, bổ sung các dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng, thường xuyên quét dọn, vệ sinh bên trong và bên ngoài khu vực chăn nuôi; vệ sinh sạch sẽ máng ăn. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn vật nuôi để phát hiện, phòng ngừa kịp thời dịch bệnh… |
VĂN HOÀNG - QUỲNH TRANG