Tuần qua ghi nhận một tuần giao dịch ảm đạm của thị trường dầu thế giới, với giá hai loại dầu chủ chốt đều giảm gần 8%.
Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 17-1-2023. Ảnh: THX/TTXVN |
Phiên giao dịch 30-1, giá dầu thế giới giảm hơn 2%, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn ở Mỹ, Vương quốc Anh và châu Âu chuẩn bị tăng lãi suất và gây sức ép lên nhu cầu dầu mỏ. Môi trường lãi suất cao hơn có thể “hạ nhiệt” nền kinh tế, từ đó làm chậm nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.
Sang đến phiên 31-1, giá dầu thế giới tăng nhẹ khi đồng USD giảm giá do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm dần tốc độ tăng lãi suất. Điều này làm cho dầu thô được định giá bằng USD rẻ hơn đối với người mua nước ngoài.
Tuy vậy, đà giảm giá dầu kéo dài trong phiên 1 và 2-2 khi các đơn đặt hàng sản xuất công nghiệp của Mỹ sụt giảm và đồng USD phục hồi từ mức thấp nhất trong 9 tháng.
Kết thúc cuộc họp chính sách, Fed đã tăng lãi suất mục tiêu thêm 0,25 điểm phần trăm - đúng như dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, các quan chức ngân hàng trung ương nhắc lại cam kết sẽ "liên tục tăng" lãi suất như một phần trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng cao vẫn đang tiếp diễn.
Khép lại phiên cuối tuần 3-2, giá dầu tiếp tục giảm. Cụ thể, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Ba giảm 2,49 USD, tương đương 3,3%, xuống 73,39 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 4-1.
Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent cũng giảm 2,23 USD, tương đương 2,7%, và đóng cửa phiên ở mức 79,94 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ phiên 9-1.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 7,9% còn giá dầu Brent giảm 7,5%
Lukman Otunuga, giám đốc phân tích thị trường tại sàn giao dịch hàng hóa FXTM, nhận định rằng đây là một tuần khó khăn đối với “vàng đen” khi tâm lý lạc quan về nhu cầu giảm bớt và các kho dự trữ của Mỹ tăng đã khiến giá dầu đi xuống.
Dữ liệu được công bố trong tuần này cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh 4,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 27-1. Lượng dầu dự trữ kể từ đầu năm lên tới 32 triệu thùng. Dự trữ xăng gần đây đã tăng 4 tuần liên tiếp với tổng cộng 12 triệu thùng.
Tuần tới, nhà đầu tư sẽ chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu toàn cầu, cũng như tác động của lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm dầu tinh chế từ Nga của EU - dự kiến vào ngày 5-2.
Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ về khu vực châu Mỹ tại công ty phân tích thị trường hàng hóa Kpler, nhận xét rằng giống như các lệnh trừng phạt đối với dầu thô của Nga, lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga khó có thể gây ra sự thiếu hụt lớn đối với nguồn cung toàn cầu. Thực tế là các nước EU đã tăng cường mua dầu diesel của Nga trong những tháng gần đây để đảm bảo lượng dự trữ. Xuất khẩu dầu diesel của Nga sang các nước EU đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 12-2022, và bắt đầu giảm đáng kể trong tháng 1-2023.
Trong khi đó, nhu cầu dầu tinh chế của Trung Quốc đang phục hồi, đặc biệt là nhiên liệu máy bay. Sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, “bức tranh” nhu cầu của nước này sẽ rõ ràng hơn khi nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường từ tháng Hai.
Theo Báo Tin tức