Bộ Xây dựng đã có Thông cáo 12/TC-BXD về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản năm 2022 và nêu các đề xuất, kiến nghị một số giải pháp, nhiệm vụ nhằm bảo đảm phát triển thị trường năm 2023.
Thị trường bất động sản tại thành phố đang ghi nhận có giảm giá sâu như đất nền giảm 500 triệu đồng/lô nhưng giao dịch rất ít. TRONG ẢNH: Một số dự án bất động sản ở phía tây thành phố. Ảnh: N.PHƯƠNG |
Địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Bộ Xây dựng cho biết sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng; nghiên cứu đề xuất ban hành nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ hợp thứ 5 tháng 5-2023, thông qua tại kỳ hợp thứ 6 tháng 10-2023 đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Đặc biệt đối với các địa phương, Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản (BĐS) trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường; đẩy nhanh, cải cách thủ tục hành chính, tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án BĐS trên địa bàn.
Các địa phương cũng đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại cho thị trường BĐS; tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Thực hiện việc rà soát, trình, phê duyệt (phê duyệt điều chỉnh) quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng để triển khai thực hiện các dự án nhà ở, BĐS trên địa bàn. Mặt khác cũng ban hành quy định cụ thể, theo thẩm quyền để triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về đất đai, nhà ở như: về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách diện tích đất thuộc thành dự án độc lập đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại.
Ngân hàng Nhà nước không thắt chặt tín dụng vào bất động sản
Ngày 8-2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức hội nghị về tín dụng BĐS. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường cần rất nhiều chính sách khác nhau, trong đó có chính sách tín dụng.
“Trên thực tế NHNN chưa có văn bản nào nêu vấn đề thắt chặt tín dụng vào BĐS. Việc cho vay phụ thuộc vào thẩm định của các tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm an toàn hoạt động”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023, định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14 -15%, nhưng không hề cứng nhắc mà có điều chỉnh tùy theo tình hình. Nếu diễn biến lạm phát cho phép thì việc điều hành tín dụng có thể sẽ linh hoạt mức cao hơn hoặc ngược lại.
Về định hướng điều hành năm 2023, để thực hiện các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp BĐS và tổ chức, cá nhân khi tiếp cận vốn tín dụng, nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống. “Những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS cần giải pháp của tất cả các bộ, ngành và địa phương.
Mong rằng các đơn vị cùng phối hợp với NHNN để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nói thêm. “Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, cần nỗ lực không chỉ từ hệ thống ngân hàng, mà còn từ chính các doanh nghiệp, các dự án phải minh bạch và đủ điều kiện. Các doanh nghiệp cũng phải tự mình trong việc tái cơ cấu để phù hợp với khả năng tài chính và khả năng quản lý dòng tiền của mình…”.
Tín dụng cho bất động sản cao hơn nhiều mức bình quân Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với 2021, là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,81%. Trong đó, dư nợ tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 68% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 32%... Gần đây, một số doanh nghiệp BĐS có những vi phạm trong phát hành trái phiếu gây mất lòng tin của nhà đầu tư, ảnh hưởng tới hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu. Ngoài việc phải xử lý các trái phiếu đáo hạn (giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của doanh nghiệp BĐS 2 tháng cuối năm 2022 là 21,4 nghìn tỷ đồng, trong năm 2023 là 119,1 nghìn tỷ đồng), nhiều doanh nghiệp còn ứng tiền mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn; việc này sẽ gây áp lực lên dòng tiền, tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng như dòng vốn tín dụng ngân hàng…Hiện, NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đáp ứng vốn cho nền kinh tế trong đó có lĩnh vực BĐS, nâng cao chất lượng tín dụng, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp. |
GIA PHÚC tổng hợp