Nhân lực lao động sau Tết ổn định

.

Tại hầu hết doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, người lao động trở lại làm việc đầy đủ ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm.

Công nhân sớm quay lại làm việc giúp nhịp độ sản xuất giữ vững ngay từ đầu năm.  TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Trùng Khoa (Khu công nghiệp Đà Nẵng). Ảnh: MAI QUẾ
Công nhân sớm quay lại làm việc giúp nhịp độ sản xuất giữ vững ngay từ đầu năm. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Trùng Khoa (Khu công nghiệp Đà Nẵng). Ảnh: MAI QUẾ

Giữ vững nhịp độ sản xuất

Ngày 1-2, gần 4.200 công nhân của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) đi làm đầy đủ sau Tết. Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc công ty cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ lao động nghỉ việc sau Tết giảm hẳn. Điều này là nhờ công ty đã nắm tình hình, động viên tinh thần công nhân lao động bằng chế độ lương, thưởng luôn đầy đủ, đúng ngày cũng như thưởng Tết như thông lệ. Lượng nhỏ công nhân quay lại muộn do quá trễ tàu, xe hoặc bận việc gia đình. Năm 2023, công ty tiếp tục mở rộng sản xuất và đã có kế hoạch tuyển dụng để sản xuất tại nhà máy mới. Đối với lực lượng lao động cũ, công ty tiếp tục đào tạo, nâng cao tay nghề cũng như nâng tính kỷ luật, qua đó ổn định nhịp độ sản xuất.

Trong khi đó, Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam (KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) không có nhiều biến động về lao động sau Tết và công ty đã lên kế hoạch tuyển dụng mới công nhân để chủ động trong việc triển khai các đơn hàng đã ký kết với đối tác trong năm 2023. Ông Nguyễn Vũ Khoa Nguyên, Trưởng phòng nhân sự công ty thông tin, số lượng người lao động công ty khoảng 2.800 người, tới nay, 95% người lao động đã trở lại làm việc. Công ty vẫn duy trì các chế độ khen thưởng định kỳ hằng tháng, chăm lo sức khỏe người lao động và các chế độ phúc lợi khác.

Tại các KCN trên địa bàn quận Sơn Trà, tình hình lao động trong các doanh nghiệp cơ bản ổn định. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (KCN dịch vụ và thủy sản Thọ Quang) thông tin, gần 2.000 lao động trở lại đi làm đầy đủ từ ngày 30-1 (mồng 9 tháng Giêng). Mặc dù tình hình kinh tế năm 2022 có nhiều diễn biến phức tạp, công ty vẫn đạt doanh thu xuất khẩu khoảng 130 triệu USD, hơn 12,3% doanh thu năm 2021 (105 triệu USD), vì vậy, dù ngành thủy sản vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu nguyên liệu nhưng chế độ cho người lao động vẫn được công ty bảo đảm. Quý 1 hằng năm như thông lệ là giai đoạn thấp điểm sản xuất nên lượng đơn hàng vẫn chưa nhiều, tuy vậy, công ty vẫn lên kế hoạch sản xuất cũng như dự trữ nguồn hàng để nhanh chóng tăng nhịp độ sản xuất khi thị trường xuất khẩu có những diễn biến tích cực hơn. Tương tự, gần 100% người lao động tại Công ty TNHH Trùng Khoa (KCN Đà Nẵng) đã trở lại làm việc từ ngày 31-1.

Bảo đảm quyền lợi để người lao động không “nhảy việc”

Cuối năm 2022, tình hình sản xuất khó khăn diễn ra tại một số doanh nghiệp nên người lao động thay đổi suy nghĩ, do đó, tình trạng nhảy việc, nghỉ dài ngày sau Tết không còn là xu hướng, mà công nhân mong muốn có việc làm ổn định. Trước Tết, công đoàn các cấp tổ chức hoạt động Tết sum vầy, chợ công đoàn nên đã tạo được sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhiều lao động ở lại thành phố dịp Tết do doanh nghiệp có được đơn hàng ngay trước Tết nên tình hình sản xuất tích cực hơn. Các nhà máy khuyến khích lao động quay lại làm việc đúng ngày, tổ chức lì xì, tặng quà đầu năm, các chính sách chăm lo tốt của doanh nghiệp giúp người lao động gắn bó, bảo đảm quan hệ lao động ổn định. Dự kiến, với những công ty hoạt động vào ngày 30-1 hoặc trễ hơn, tình hình lao động cũng ổn định, tỷ lệ quay lại làm việc đạt mức cao.

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn lao động, tăng cường công tác tự kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, nắm chắc tình hình người lao động trở lại làm việc sau dịp Tết. Qua đó, yêu cầu thực hiện tốt các chế độ chính sách, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, giải quyết, hỗ trợ các trường hợp người lao động khó khăn. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan chủ động thành lập các tổ công tác hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12-6-2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp công đoàn cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại với người lao động, giải quyết tốt tiền lương, thưởng cho người lao động, không để tình trạng nợ lương, thưởng xảy ra... Bên cạnh đó, sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến.

Theo báo cáo nhanh về tình hình lao động trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, từ ngày 27-1 (mồng 6 tháng Giêng), hàng loạt doanh nghiệp đều ra quân sản xuất, trong đó nhiều doanh nghiệp du lịch khách sạn đã có những hoạt động sôi nổi, đón được nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng. Qua nắm tình hình sơ bộ tại các doanh nghiệp, đến ngày 30-1, đã có 95% lao động đã trở lại làm việc. Nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty TNHH Kad Industrial S.A Việt Nam, Công ty TNHH Mabuchi Motor, Công ty TNHH Pi Vina, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ... đã có 100% lao động trở lại làm việc.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.
Giải pháp quà tết cho doanh nghiệp chuyên nghiệp