Phát triển kinh tế nhờ trồng bưởi ở thôn Hội Phước

.

Vài năm nay, nhiều hộ dân ở thôn Hội Phước, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất vườn kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Việc trồng bưởi giúp họ cải thiện kinh tế, tạo thêm việc làm và tận dụng quỹ đất. 

Là một trong những hộ dân đi đầu mô hình trồng bưởi da xanh, ông Hồ Sơn (65 tuổi) cho biết, vườn ông trồng hơn 50 cây bưởi da xanh và thu hoạch vào tháng 8 hằng năm. Bưởi nhà ông có trọng lượng 2-3kg/quả, giá bán 40.000 đồng/kg tùy thời điểm. Năm 2022, vụ bưởi cho sản lượng tốt nên ông mạnh dạn mang bưởi tham gia Hội chợ Nông nghiệp huyện và bán gần 150kg bưởi da xanh.

“Trước đây, tôi có hơn 1.000m2 đất trồng rau củ và cây ăn quả như chanh, chuối, thanh long. Tuy nhiên, tôi nhận thấy những cây trên khó đem lại lợi nhuận lâu dài nên muốn tìm hướng đi mới. Cùng lúc, xã có đề án hỗ trợ cây giống bưởi da xanh cho bà con, vì thế tôi quyết tâm cải tạo đất và học hỏi người quen trồng bưởi ở xã Hòa Ninh, một trong những nơi trồng bưởi bài bản và quy mô ở Đà Nẵng. Bắt đầu gieo giống và sau 4 năm tôi thu hoạch. Việc trồng bưởi đem lại cho gia đình tôi nhiều niềm vui khi có kinh tế để dần ổn định cuộc sống”, ông Sơn vui vẻ nói.

Đang kéo dây tưới nước những gốc bưởi, ông Nguyễn Tấn Thành (66 tuổi, trú thôn Hội Phước) cho hay, thời gian đầu ông trồng từ vài cây rồi tăng dần và hiện đạt số lượng hơn 50 gốc bưởi. Tuy “sinh sau đẻ muộn” so với xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) về mô hình trồng bưởi, nhưng ở thôn Hội Phước hiệu quả trồng bưởi cũng đem lại giá trị kinh tế. Bởi cây bưởi khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và là cây có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định, có thể tạo ra vùng sản xuất lớn phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Ngoài ra, trong tương lai phù hợp để làm du lịch mô hình trái cây vườn. “Qua những lần nghiên cứu và rút kinh nghiệm về cách chăm sóc, tưới nước, bắt bọ trĩ và sâu ăn trái thì tôi đã thu hoạch được quả bưởi to, cùi mỏng, múi dày, tép đỏ ngọt và mọng nước. Nếu so với bưởi vùng khác thì chỉ khác về độ mượt của vỏ, ngoài ra không thua kém về chất lượng. Bưởi trồng tuyệt đối không dùng phân thuốc hóa học, chỉ bón phân chuồng để bắt ruồi vàng, khi ra trái thì bọc túi bóng bảo vệ bưởi. Đến lúc thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua rất thuận tiện. Lợi nhuận trồng bưởi cũng cao hơn so với trồng cây nông nghiệp như trước”, ông Thành nói.

Theo ông Nguyễn Văn Bửu, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, thời gian qua, UBND xã phối hợp Hội Nông dân hỗ trợ nhiều cây giống các loại như mít thái, bưởi, dừa, xoài… cho người dân chuyển đổi cây trồng và cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, để việc trồng bưởi đạt hiệu quả, xã còn hướng dẫn hộ dân cách trồng và chăm sóc bưởi bảo đảm kịp thời vụ và nâng cao sản lượng.

Đến nay, các hộ dân đã chăm sóc tốt và cho lợi nhuận kinh tế cao. Thời gian đến, xã sẽ tiếp tục phối hợp các ban, ngành hỗ trợ nông dân và vận động, hướng dẫn để người dân mạnh dạn tham gia phát triển mô hình trồng bưởi cũng như nhiều loại cây khác nhằm tăng cường phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp.

Ông Phan Dũng, Trưởng thôn Hội Phước chia sẻ, trồng bưởi khá nhàn so với làm nông nghiệp, nhiều hộ dân có đất rộng đã tích cực thay đổi canh tác trồng bưởi và dần thoát nghèo. Người dân trong thôn rất phấn khởi khi vườn bưởi thay cho vườn tạp.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hộ dân nắm bắt kỹ thuật chưa đúng và chăm sóc cây theo lối truyền thống, nên dẫn đến một số không phát triển và nhiều hộ đã bỏ trồng bưởi chuyển sang công việc khác.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.