Sau hai năm liên tục giảm do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố năm 2022 tăng trở lại, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023.
Thị trường bán lẻ tăng, tạo tín hiệu tích cực để kinh tế phát triển. TRONG ẢNH: Khách hàng mua sắm tại Lotte mart. Ảnh: Q.T |
Nhiều tín hiệu tích cực
Báo cáo từ Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tháng 1-2023 ước đạt hơn 5.900 tỷ đồng, tăng 0,35% so với tháng trước và tăng gần 22% so cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, sức mua tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, chuỗi cửa hàng dịp Tết Quý Mão 2023 tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, tổng lượng hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, tại các chợ và các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn chuẩn bị phục vụ Tết Quý Mão 2023 ước tăng 20-30%. Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết khoảng 2.300 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Trừ cho biết, lượng khách và sức mua tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, chuỗi cửa hàng các ngày giáp Tết Quý Mão 2023 (từ ngày 16 đến 21-1, tức từ 25-30 tháng Chạp) tăng khoảng 20-30% so với năm 2022. Hoạt động mua bán sôi nổi vì có nguồn hàng phong phú, đa dạng, nhiều mẫu mã kết hợp với các chương trình khuyến mại, giảm giá tặng thưởng.
Hàng hóa tại các chợ cũng dồi dào, đặc biệt hàng hóa nội địa chiếm tỷ lệ cao, cùng với đó là hoạt động bình ổn giá đã tác động tích cực đến thị trường thành phố dịp Tết Quý Mão 2023, giá cả nhiều mặt hàng duy trì ổn định. Một số mặt hàng có tăng nhẹ (5-15%) so với ngày thường, nhất là việc bán hàng thịt heo phục vụ Tết với giá thấp hơn thị trường đã góp phần duy trì ổn định giá tại các chợ, chỉ tăng 10% (tăng khoảng 10.000 đồng/kg) vào các ngày giáp Tết do nhu cầu tăng cao.
Trước Tết, Sở Công Thương tổ chức Hội chợ Xuân 2023 từ ngày 11 đến 16-1 (từ ngày 20-25 tháng Chạp) với quy mô khoảng 250 gian hàng tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng. Sau 6 ngày mở cửa tự do, với nhiều chương trình khuyến mại, hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ khách tham quan, mua sắm, hội chợ đã thu hút gần 35.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm với doanh thu đạt hơn 7,5 tỷ đồng (tăng gần 4 lần so với Tết năm 2022).
UBND các quận, huyện cũng tích cực tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử nhằm kích cầu mua sắm trong những tháng cuối năm và dịp Tết như: Ngày hội Tôn vinh hàng Việt - Thanh Khê năm 2022 (từ ngày 26 đến 31-12-2022); Hội chợ triển lãm kết nối giao thương và ứng dụng thương mại điện tử Liên Chiểu 2022 (từ ngày 16 đến 18-12-2022); Chợ Tết công đoàn 2023 (từ ngày 6 đến 8-1-2023), Hội chợ Tết nhân ái Xuân Quý Mão 2023 (ngày 10-1-2023); Lễ hội Tết Việt Quý Mão Hòa Vang 2023 (từ ngày 13 đến 15-1-2023). Những hoạt động trên đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 1-2023 ước đạt 5.910 tỷ đồng, tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Khách mua sắm tại chợ Cồn. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Kỳ vọng khởi sắc
Các chuyên gia đánh giá, năm 2023, kinh tế trong nước sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, song ngành bán lẻ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Bộ Công Thương cũng lạc quan nhận định, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội.
Kết quả khảo sát 15.000 nhà bán lẻ trên nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, 74,5% kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng; hơn 36% dự định mở rộng quy mô kinh doanh; hơn 29% dự định đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh...
Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho biết, năm 2023, ngành công thương tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế với chủ đề năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kích cầu thị trường nội địa, hỗ trợ duy trì xuất khẩu thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Trong đó, đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa dự kiến tăng 8-9% so với năm 2022.
“Để đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, năm 2023, ngành công thương sẽ triển khai một số chương trình trọng tâm như: chương trình xúc tiến thương mại, kế hoạch phát triển thương mại điện tử thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025; chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm Đà Nẵng gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động kết nối, giới thiệu sản phẩm các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, làng nghề... vào kênh phân phối và hình thành các điểm trưng bày, bán sản phẩm Đà Nẵng”, bà Phương cho biết thêm.
Ông Lê Nguyễn Thiên Ân, Giám đốc siêu thị Lotte mart cho hay, doanh số bán hàng của doanh nghiệp thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán tăng 30% so với cùng kỳ nên hy vọng sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường bán lẻ trong năm tới.
Trong khi đó, Trưởng Ban quản lý chợ Hàn Nguyễn Trung Thành thông tin, những ngày trước và trong Tết Nguyên đán, lượng khách đến chợ tham quan, mua sắm tăng đột biến. Cụ thể, từ ngày mồng 1 đến mồng 4 tháng Giêng có hơn 5.000 lượt khách đến chợ Hàn. “Đây là tín hiệu khả quan về sự hồi phục thị trường khách du lịch cũng như lượng khách đến chợ Hàn trong năm 2023”, ông Thành nói.
QUỲNH TRANG