Xây dựng môi trường kinh doanh ăn uống minh bạch về giá cả

.

Đà Nẵng đã và đang đón rất nhiều du khách đến vui chơi, tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Việc minh bạch giá cả hàng hóa và niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết là một trong những yếu tố cơ bản trong việc thu hút và giữ chân du khách khi đến du lịch tại địa phương.

Thời gian qua, một số thông tin trên mạng xã hội phản ánh có cơ sở cung cấp sản phẩm du lịch có dấu hiệu “nâng giá”, “phụ thu giá”, gây ảnh hưởng tới hình ảnh thành phố, nhiều lượt bình luận lo ngại về vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới việc phục hồi và phát triển du lịch của Đà Nẵng.

Có thể thấy, trong bối cảnh thông tin nhanh nhạy như hiện nay, khi du lịch đã mở cửa toàn diện thì việc giữ gìn hình ảnh điểm đến an toàn, môi trường văn minh, lịch sự, không làm mất lòng du khách cần phải được chú trọng hơn.

Bà Lê Thị Bích Hiền, Giám đốc chuỗi siêu thị Quà Miền Trung cho rằng, người tiêu dùng hiện tại rất thông thái, trước khi quyết định đến một cửa hàng nào hay chọn mua sản phẩm nào đều sử dụng điện thoại để kiểm tra nhãn hiệu, giá và so sánh. Nếu cùng một loại hàng hóa mà đơn vị mình bán cao hơn nơi khác, họ sẽ không mua và đồng nghĩa không bao giờ quay trở lại.

Vì vậy, giá cả từng sản phẩm được niêm yết và công khai minh bạch sẽ xây dựng uy tín cho thương hiệu cũng như hình ảnh của thành phố; mặt khác, giúp du khách dễ dàng lựa chọn cũng như có tâm lý thoải mái khi trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ.

Đến các chợ hiện nay, điểm dễ nhận thấy là các quầy hàng đều dán giá niêm yết lên các món hàng, tuy nhiên, việc niêm yết giá không đồng nhất. Có mặt hàng kê giá một đàng, nhưng thực tế giá bán một nẻo. Trong đó, tiểu thương chỉ niêm yết giá ở một số mặt hàng như thực phẩm khô (mực, cá rim các loại), chả, một số đồ dùng gia dụng…, còn các mặt hàng quần áo, giày dép hầu như không có giá rõ ràng, người bán muốn “hô” bao nhiêu thì tùy, trong khi người mua phải lò dò trả từng bước một vì sợ hớ. Theo khảo sát của phóng viên, chỉ có một số chợ lớn của Đà Nẵng thực hiện tương đối việc niêm yết như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa…, những chợ khác vẫn trong tình trạng giá bán bao nhiêu là do người bán định đoạt.

Trong năm 2022, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng nhiều lần ra quân kiểm tra nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp lễ lớn như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, lễ 30-4 và 1-5… Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã đề nghị các đơn vị kinh doanh dịch vụ chấp hành các quy định của pháp luật về giá; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi nâng giá bất hợp lý và không niêm yết giá hàng hóa.

Cụ thể, các đơn vị kinh doanh dịch vụ thực hiện ký cam kết với nội dung: “Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ đúng quy định; bán theo giá niêm yết, không tùy tiện nâng giá, chèo kéo, ép khách, gây sốt giá, kiếm lời bất chính, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch tại Đà Nẵng”.

Tuy nhiên, trên thực tế, kiểm soát giá chỉ là một trong những nội dung của quản lý thị trường, về cơ bản, các ban quản lý chợ phải là người kiểm soát giá niêm yết đầu tiên nên cần thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn về văn minh thương mại, nhằm nâng cao hơn ý thức của tiểu thương trong việc giao tiếp và bán hàng; qua đó, có những biện pháp răn đe mạnh tay hơn nữa với những trường hợp vi phạm Pháp lệnh về giá.

Tiểu thương Huỳnh Thị Kim Cương - quầy bánh kẹo, thực phẩm khô (chợ Cồn) cho biết, việc niêm yết giá công khai là việc làm thường xuyên, thói quen văn minh thương mại được các tiểu thương chợ Cồn thực hiện thường xuyên. “Chúng tôi kỳ vọng dịp lễ sắp tới sẽ thu hút một lượng lớn du khách đến với thành phố và đến với các chợ để tham quan mua sắm. Chúng tôi cam kết bán hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá công khai, rõ ràng để “mỗi tiểu thương là một đại sứ du lịch”, mang hình ảnh du lịch Đà Nẵng thân thiện, mến khách đến với mỗi khách du lịch”, bà Cương nói.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.