Cần tập trung nguồn lực cho ngành Công nghiệp chế biến chế tạo

.

ĐNO - Công nghiệp chế biến chế tạo là một trong những ngành kinh tế cấp 1 có quy mô giá trị gia tăng lớn nhất của Đà Nẵng và cũng là ngành kinh tế chủ lực của khu vực Công nghiệp – Xây dựng (chiếm hơn 62% tổng giá trị gia tăng của khu vực). Do đó, sự thay đổi năng suất lao động của ngành này sẽ có tác động đáng kể đến mức năng suất lao động của toàn nền kinh tế nói chung và đặc biệt là khu vực công nghiệp – xây dựng nói riêng.

Sản xuất lốp ô tô chất lượng cao tại Công ty CP cao su Đà Nẵng.
Sản xuất lốp ô tô chất lượng cao tại Công ty CP cao su Đà Nẵng.

Đáng chú ý, so với thứ hạng về quy mô, thứ hạng về năng suất lao động của ngành này đang thấp hơn rất nhiều; năm 2019, năng suất lao động của ngành này xếp thứ 11/20 ngành cấp 1 và đồng thời cũng là một trong hai ngành cấp 1 có năng suất lao động thấp nhất trong khu vực Công nghiệp – Xây dựng, chỉ xếp sau ngành Xây dựng.

Bên cạnh đó, Công nghiệp chế biến chế tạo có tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2015-2019 chậm lại một cách đáng kể so với giai đoạn trước đó và đạt mức rất thấp so với nhiều ngành khác trong cùng khu vực kinh tế (xem phụ lục 1). Những điều này cho thấy sự cần thiết tập trung nguồn lực cho việc cải thiện năng suất lao động của ngành Công nghiệp chế biến chế tạo nhằm nâng cao năng suất lao động của toàn khu vực.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, chính sách đào tạo lại lao động và khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng là hai nhân tố có tác động lớn nhất đến khả năng nâng cao năng suất lao động của các doanh nghiệp Công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn Đà Nẵng. Do vậy, thành phố cần có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành này chú trọng đào tạo lại lao động và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Hiện nay, Trung Ương và địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên, trên thực tế, có ít doanh nghiệp sản xuất tiếp cận được hoặc quan tâm đến các chính sách này vì nhiều lý do. Do đó, đối với việc hỗ trợ nguồn vốn hoặc khuyến khích hoạt động đào tạo để nâng cao năng suất lao động của ngành Công nghiệp chế biến chế tạo, thay vì xây dựng các chính sách mới, Đà Nẵng - trước hết - cần có các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận các chính sách hiện có đối với doanh nghiệp và thông qua quá trình này để thực hiện điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, thay vì khuyến khích các doanh nghiệp nói chung áp dụng hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao năng suất lao động thì nên tập trung nguồn lực cho việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận/mở rộng thị trường. Điều này được giải thích bởi việc hầu hết các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ hiện nay ít có hứng thú với việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng. Trong khi đó, quy mô thị trường mới là yếu tố dẫn dắt và thúc đẩy việc doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và thông qua đó, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất.

Hầu hết các doanh nghiệp Công nghiệp chế biến chế tạo hiện nay tại Đà Nẵng đang thực hiện xuất khẩu hoặc chế xuất dựa trên nền tảng tận dụng tối đa nhân công giá rẻ và do đó, rất thâm dụng lao động. Tuy nhiên, nguồn lao động trực tiếp này đang trở nên khó thu hút và thiếu ổn định tại Đà Nẵng do có mức thu nhập thấp và đang chịu áp lực chi phí nhà ở tăng cao. Thực tế, Chính phủ Việt Nam đang duy trì một mức lương tối thiểu không những thấp mà còn có xu hướng tăng trưởng rất chậm để tạo lợi thế thu hút các nhà đầu tư FDI; do đó, điều này đã và đang tạo ra nghịch lý đối với việc nâng cao năng suất lao động trong những ngành thâm dụng lao động như Công nghiệp chế biến chế tạo.

Giải quyết các vấn đề kể trên đang là bài toán cấp thiết trong ngắn hạn và trung hạn để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố ổn định sản xuất và tăng năng suất lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội chung của thành phố và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng đã đặt ra.

THIÊN NGA

;
;
.
.
.
.
.