Bên cạnh lập thủ tục cho phép một số đơn vị được nâng trữ lượng, mở rộng và tăng công suất, gia hạn khai thác mỏ khoáng sản, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND huyện Hòa Vang và các sở, ban, ngành triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng, nhất là đất, đá để cung cấp cho các công trình trên địa bàn thành phố.
Khối lượng lớn đá đã được vận chuyển đến phục vụ thi công dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Ảnh: H.H |
Khai thác thêm đất, đá
Những ngày này, trên đường Nguyễn Văn Cừ (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) có rất nhiều xe tải ben chở đá phục vụ thi công dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu- phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Sau khi qua khỏi đoạn đầu đường dẫn vào Kho xăng dầu K83, các xe được hướng dẫn tách đoàn, di chuyển theo 2 hướng nam (trực diện ra biển) và đông nam (men theo chân núi) để đổ đá xuống. Sau hơn 2 tháng kể từ ngày khởi công (14-12-2022), quan sát bằng mắt thường có thể thấy trữ lượng đá được đổ xuống công trình này là rất lớn.
Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án) Lê Thành Hưng cho hay, nguồn vật liệu cần cung cấp cho dự án là rất lớn với khối lượng 2.379.000m3 đá, trong đó, năm 2023 cần 1.189.000m3 đá, năm 2024 cần 713.800m3 đá và năm 2025 cần 475.800m3 đá. Vừa qua, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các mỏ khai thác đá để xem xét gia hạn, tăng trữ lượng khai thác.
Đây là sự quan tâm, tháo gỡ rất kịp thời của thành phố để bảo đảm nguồn đá phục vụ thi công dự án, nhất là trong năm 2023.
Bên cạnh đó, đơn vị chủ động mời các chủ mỏ đá để bàn về việc cung cấp đá cho dự án. Các chủ mỏ cam kết nếu được thành phố gia hạn thời gian khai thác, trữ lượng được khai thác tăng thêm đó sẽ chỉ cung cấp đất, đá phục vụ thi công các công trình Bến cảng Liên Chiểu và các dự án trọng điểm, động lực khác của thành phố. “Qua kiểm tra nguồn vật liệu tại các địa phương trên địa bàn thành phố, đa số các mỏ có nguồn đá đạt yêu cầu kỹ thuật về cường độ, độ thấm bám, độ mài mòn... và các chỉ tiêu cơ lý đều cơ bản đáp ứng được, bảo đảm yêu cầu rất tốt”, ông Lê Thành Hưng nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng An, thành phố đã chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án, nhất là đất đắp, san lấp và đá xây dựng.
Cụ thể, bên cạnh lập thủ tục cho phép một số đơn vị được nâng trữ lượng, mở rộng và tăng công suất, gia hạn khai thác mỏ khoáng sản, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND huyện Hòa Vang và các sở, ban, ngành khảo sát các khu vực có trữ lượng khoáng sản (đất đồi, đá xây dựng) để cấp phép khai thác khoáng sản cung cấp cho các công trình được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước theo quy định tại Điều 22, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản.
Đồng thời, nghiên cứu để cho các trường hợp đã nhận chuyển nhượng, thuê đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo Điều 73, Luật Đất đai năm 2013 được lập thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản để cung cấp vật liệu cho các công trình được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.
Từ nay đến năm 2025, dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung đang cần trữ lượng đá rất lớn để phục vụ thi công. Ảnh: H.H |
Cần triển khai các giải pháp lâu dài
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng cho rằng, các giải pháp và chỉ đạo của thành phố mà các đơn vị, địa phương đang triển khai sẽ cơ bản giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án hiện nay.
Tuy nhiên, về lâu dài, trong quá trình lập thiết kế các công trình, dự án, nhất là san nền, thành phố cần yêu cầu đơn vị tư vấn xác định tần suất ngập lũ phù hợp. Với miền Trung, thiết kế các công trình, dự án với tần suất mưa tính toán 20-30% là chấp nhận ngập lụt, nên nhiều dự án ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi được chọn tần suất thiết kế 10% là đủ điều kiện để thực hiện dự án.
Nhưng Đà Nẵng lại có nhiều dự án có tần suất thiết kế 5%, thậm chí có dự án chỉ 1% (tương ứng 100 năm mới ngập lụt một lần). Đây là nguyên nhân khiến trữ lượng đất, đá phục vụ thi công công trình, dự án quá lớn.
Nếu vẫn giữ cách chọn tần suất thiết kế với cao độ nền quá cao như vậy, đặc biệt là căn cứ vào trận ngập lụt lịch sử xảy ra vào ngày 14-10-2022 để thiết kế thì huyện Hòa Vang không có đủ vật liệu để đắp, san lấp, xây dựng. Vì vậy, thành phố cần chỉ đạo việc nghiên cứu xác định tần suất thiết kế phù hợp đối với các công trình, dự án.
Được biết, từ nay đến năm 2030 sẽ là thời kỳ triển khai mạnh các công trình, dự án trên địa bàn thành phố, dẫn đến nhu cầu đá xây dựng tăng cao, trung bình mỗi năm khoảng 1.700.000m3 đá; tổng nhu cầu đất đắp, san lấp các công trình, dự án đến năm 2030 là hơn 40 triệu m3 đất.
Trong đó, các công trình giao thông có nhu cầu về trữ lượng đất đắp nền đường và đá xây dựng rất lớn. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung cho hay, qua tìm hiểu cách bảo đảm vật liệu cho các công trình, dự án ở một số địa phương, có thể thấy, các tỉnh như: Quảng Ngãi, Bình Định... đã giao cho các đơn vị sự nghiệp làm chủ mỏ để khai thác khoáng sản phục vụ vật liệu cho các dự án đầu tư công.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai đầu tư các công trình công cộng như khu dân cư, trường học, sân vận động... tại các vị trí sẽ được cải tạo đất rồi mới xây dựng.
Sở Giao thông vận tải sẽ có nghiên cứu kỹ lưỡng cách làm của các địa phương nói trên và đề xuất UBND thành phố phương án để làm chủ được nguồn vật liệu được khai thác từ các mỏ, triển khai được thuận lợi và phù hợp với các quy định của pháp luật.
HOÀNG HIỆP