Chiều 27-3, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Nghị quyết Trung ương 8).
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết đã dự và chỉ đạo Hội nghị.
Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ giải pháp theo chức trách, phạm vi quản lý của ngành. Nổi bật, ngành Tài chính đã tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng các đề án quan trọng trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Quản lý nợ công từng bước được hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch, tiếp cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của đất nước trong từng giai đoạn. Ngành đã đẩy mạnh khơi thông các nguồn lực tài chính, từng bước tái cấu trúc nền tài chính quốc gia, tạo ra những động lực đổi mới trong nước, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững; vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương chưa được phát huy; chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Thể chế, chính sách về đầu tư công, ngân sách nhà nước, giá, tài chính đất đai điều chỉnh chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Cơ chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước và đầu tư được đẩy mạnh nhưng trong thực hiện còn thiếu đồng bộ, thiếu các cơ chế giám sát hiệu quả; chưa thể thể hóa kịp thời các cơ chế, chính sách tài chính đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu phát triển mới...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc hơn kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; đồng thời, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế thời gian tới, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi, toàn diện Nghị quyết của Trung ương Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tình hình mới xuất hiện trên rất nhiều khía cạnh như chiến tranh quân sự, dịch bệnh, lĩnh vực kinh tế tài chính xuất hiện những vấn đề phi truyền thống như tiền ảo, tiền số, công dân số... Điều này đòi hỏi ngành Tài chính phải chủ động đi trước; đổi mới, sáng tạo phục vụ cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Phát biểu chỉ đạo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và thành quả to lớn mà ngành Tài chính đã đạt được trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8. Ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, tiên phong trong cải cách, đổi mới, hội nhập. Tài chính đã thực sự khơi thông huyết mạch của nền kinh tế, thúc đẩy, mở đường cho sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước từ chiều rộng sang chiều sâu; góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công tác tài chính - ngân sách nhà nước và quản lý nợ công đã có những đóng góp quan trọng, quyết định đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, xử lý các vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng tình với các giải pháp nêu trong báo cáo của Bộ Tài chính và ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, có trách nhiệm của các đại biểu, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
Trong đó, ngành tập trung xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, tăng cường công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong lĩnh vực tài chính; hoàn thiện thể chế và ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; đẩy nhanh chuyển đổi số và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế...
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh bày tỏ tin tưởng, trong giai đoạn phát triển mới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục sáng tạo, đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch đã đề ra, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo TTXVN