Giảm lãi suất, doanh nghiệp được tiếp sức

.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các quyết định giảm lãi suất điều hành lần lượt vào giữa và cuối tháng 3, cộng đồng doanh nghiệp cho biết lãi suất cho vay bắt đầu giảm, bên cạnh đó, doanh nghiệp kỳ vọng sớm tiếp cận gói vay với lãi suất tốt.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam- Chi nhánh Nam Đà Nẵng. Ảnh: M.Q
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Nam Đà Nẵng. Ảnh: M.Q

Ngày 31-3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các quyết định điều chỉnh: giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1%/năm xuống 0,5%/năm; giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6%/năm xuống 5,5%/năm và lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Các điều chỉnh này có hiệu lực từ ngày 3-4-2023.
 

Trước đó, ngày 14-3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo giảm 1% các loại lãi suất điều hành gồm tái chiết khấu từ 4,5% xuống 3,5%/năm; cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng từ 7% xuống 6%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 5,5% xuống 5%/năm; vay ngắn hạn của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành trong 2 năm gần đây.

Như vậy, trong vòng nửa tháng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 2 lần. Qua tìm hiểu, từ ngày 3-4, hầu hết các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh và áp dụng các biểu lãi suất huy động mới, tạo cơ sở để lãi suất cho vay sớm hạ nhiệt trong thời gian tới. Thực tế, một số doanh nghiệp cho biết lãi suất cho vay hiện nay đã được giảm so với trước khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành.

Ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho hay, so với đầu tháng 3-2023, lãi suất vay trung hạn của công ty được ngân hàng thương mại đối tác điều chỉnh giảm 0,5%/năm, từ 9,5%/năm xuống 9%/năm. Tương tự, ông Tô Văn Hiệp, Giám đốc Công ty CP Kho vận Liên Chiểu Xanh thông tin, các gói vay của công ty điều chỉnh giảm 0,3 đến 0,5%/năm.

Trong khi đó, ông Lê Trường Kỹ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng kỹ thuật DINCO thông tin, cả 3 ngân hàng thương mại đối tác của công ty đều đã giảm lãi suất cho vay, cụ thể 1 ngân hàng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 8,2%/năm xuống 8%/năm, còn 2 ngân hàng giảm từ 10%/năm xuống 9,5%/năm.

Theo ông Kỹ, việc giảm lãi suất là tín hiệu tích cực nhưng lãi suất vẫn còn duy trì ở mức cao so với khả năng và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là dòng tiền, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp này đang bị vướng hàng tồn kho cả đầu vào và đầu ra, nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu giảm sức mua, đơn hàng phục hồi chậm. Nhưng lại phải đối diện với các khoản vay nợ cũ đã đến hạn, nếu không có tiền để trả nợ thì nhiều doanh nghiệp sẽ bị chuyển sang nhóm nợ xấu, dẫn tới càng khó tiếp cận vốn vay hơn. Hiện nay, để đầu tư mở rộng sản xuất, đón đầu nhu cầu thị trường dự kiến sẽ cải thiện từ quý 3-2023 thì doanh nghiệp cần dòng vốn dài hạn với lãi suất dưới 10%.

Ông Trần Minh Dõng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Điện tử và Tin học Đà Nẵng Viettronimex cho rằng, việc giảm mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sẽ giúp kích thích doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, kỳ vọng đón đầu giai đoạn khởi sắc trở lại vào những quý tới. Tuy vậy, trong bối cảnh lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt, các tín hiệu từ thị trường trên thế giới chưa thực sự tốt lên thì doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Trên thực tế, không phải cứ lãi suất giảm là doanh nghiệp sẽ có thể tiếp cận, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục, tài sản bảo đảm.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng cho biết, mức hỗ trợ giảm lãi suất của các tổ chức tín dụng còn tùy thuộc nhiều vào đối tượng, ngành nghề, không thể có chính sách riêng cho từng doanh nghiệp cũng như khả năng giảm thế nào còn tùy thuộc vào năng lực tài chính của ngân hàng. Để hỗ trợ doanh nghiệp, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ. Trên cơ sơ đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận được chính sách.

Theo báo cáo hoạt động ngân hàng thành phố quý 1-2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng phổ biến ở mức 8-10%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa Việt Nam đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên là 5,5%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn phổ biến ở mức khoảng 10-12%/năm.

Ước đến cuối tháng 3-2023, dư nợ các thành phần kinh tế trên địa bàn đạt 211.000 tỷ đồng, tăng 0,88% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay bằng Việt Nam đồng đạt 205.200 tỷ đồng, tăng 0,69% so với cuối năm 2022; dư nợ ngoại tệ đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 7,95% so với cuối năm 2022. Dư nợ trung dài hạn đạt 119.000 tỷ đồng, chiếm 56,4% tổng dư nợ; dư nợ ngắn hạn đạt 92.000 tỷ đồng, chiếm 43,6% tổng dư nợ.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.