Với mong muốn khắc phục ô nhiễm mùi hôi, giảm xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm sinh trưởng đàn vật nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang đã áp dụng mô hình chăn nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học và đã có hiệu quả trong thời gian qua.
So với việc chăn nuôi heo truyền thống, mô hình nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học khắc phục nhiều hạn chế, mang lại hiệu quả, nâng cao kinh tế hộ gia đình. TRONG ẢNH: Ông Lê Học (thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến) đang kiểm tra, dọn dẹp chuồng trại. Ảnh: V.H |
Gia đình ông Lê Học (thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến) chăn nuôi heo hơn 25 năm, mặc dù đã xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải, nhưng mùi hôi trong quá trình nuôi ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Từ năm 2020-2022, ông Học buộc phải tiêu hủy hơn 80 con heo do dịch tả heo châu Phi. Nhận thấy nhiều rủi ro trong chăn nuôi, tháng 5-2022, ông cải tạo hơn 80m2 diện tích chuồng trại; đồng thời, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật để triển khai mô hình chăn nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học (thành phần vỏ trấu, cám gạo, thân cây bắp, men vi sinh...). Sau 4-5 tháng, đàn heo thí điểm của ông phát triển khỏe mạnh với trọng lượng hơn 100kg/con. Trong khi đó, đối với phương pháp nuôi heo truyền thống, để heo đạt trọng lượng 70-80kg/con cần phải nuôi từ 7 tháng trở lên. Đến nay, sau khi xuất bán đợt đầu, ông tiếp tục nuôi đợt 2 từ nguồn giống hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Tính ưu việt của mô hình là không gây mùi hôi tại khu vực chuồng trại, không gây ô nhiễm môi trường và heo tăng trưởng mạnh. Mặt khác, phần đệm lót nuôi heo được sử dụng làm phân hữu cơ để trồng trọt, tiết kiệm được chi phí khi trồng trọt”, ông Học nói.
Cũng là hộ đầu tiên thí điểm mô hình chăn nuôi mới, đến nay, ông Lê Bi (thôn Nam Sơn) đã áp dụng đệm lót sinh học được gần 2 năm. Theo ông Bi, việc thực hiện mô hình không quá khó khăn và phù hợp với những hộ chăn nuôi nhỏ. Người chăn nuôi chỉ cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng chuồng trại, xử lý đệm lót… Cụ thể, chuồng phải được chia làm 2 khu vực, trong đó 2/3 diện tích chuồng được đào 20-30cm, sử dụng phần đệm lót sinh học, 1/3 diện tích còn lại láng xi-măng, bố trí máng thức ăn, nước uống. Cứ 2 lần/tuần, người chăn nuôi cần thực hiện cuốc xới, trộn đều chất thải với phần đệm lót để bảo đảm độ tơi xốp, giúp vi sinh vật phân hủy tốt chất thải tại chỗ và triệt tiêu mùi hôi. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ cần tuân thủ không được tắm heo, tránh gây ảnh hưởng đến khu vực đệm lót.
“So với chăn nuôi truyền thống, đàn heo của gia đình tôi phát triển khỏe mạnh và sinh trưởng tốt trong môi trường đệm lót. Mô hình giúp việc chăn nuôi của gia đình tiết kiệm công sức, chi phí điện, nước và thức ăn, hạn chế rủi ro lây lan bệnh tật”, ông Bi chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến Đặng Văn Quang cho biết, toàn xã có khoảng 100 hộ chăn nuôi, riêng tại thôn Nam Sơn có 17 hộ với quy mô 30-100 con/hộ. Với định hướng xây dựng thôn Nam Sơn thành thôn chăn nuôi heo an toàn sinh học. Riêng năm 2022, các cấp chính quyền huyện Hòa Vang, xã Hòa Tiến đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện mô hình chăn nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học đến 7 hộ trên địa bàn xã. Qua quá trình nuôi thử nghiệm, mô hình mang lại nhiều hiệu quả vượt bậc về môi trường, kinh tế, chất lượng thịt.
Một số hộ chăn nuôi điển hình như: hộ bà Võ Thị Khước có 15 con, tổng trọng lượng gần 2 tấn, ông Lê Binh có 7 con gần 7 tạ; ông Lê Văn Coi có 7 con hơn 7 tạ… Thời gian đến, Hội Nông dân xã Hòa Tiến sẽ tiếp tục vận động, khảo sát các điều kiện chăn nuôi, chuồng trại của các hộ dân; đồng thời, triển khai tập huấn quy trình chăn nuôi, xử lý đệm lót, bảo đảm heo sinh trưởng, phát triển tốt. Hội tham mưu địa phương đề xuất Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ nguồn giống, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tái đàn sản xuất.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phú Ban, mô hình chăn nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học được sở xây dựng, góp phần hướng tới ngành chăn nuôi “3 không”, gồm: không có mùi hôi, không xả chất thải gây ô nhiễm ra môi trường và không lãng phí nước. Ngoài ra, phần đệm lót sinh học trong mô hình được sử dụng làm phân hữu cơ, sinh học, giải quyết được bài toán kinh phí đầu vào của các mô hình trồng trọt, giảm thiểu mô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.
VĂN HOÀNG