Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để tạo nguồn lực cho phát triển thành phố. Nhờ đó, thành phố đã tranh thủ cả nguồn lực bên trong và bên ngoài để đầu tư phát triển.
Theo báo cáo quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, giai đoạn từ năm 2004-2021, thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá, bình quân 10,3%/năm; nếu chỉ tính đến năm 2019, trước Covid-19 bùng phát, tốc độ tăng bình quân 13%/năm. Trong hai năm 2020 và 2021, nhờ các khoản dự phòng, cùng với nguồn hỗ trợ từ Trung ương, Đà Nẵng thực hiện hiệu quả nhiều hoạt động ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ phục hồi của nền kinh tế. Bước sang năm 2022, khi Covid-19 được đẩy lùi, tăng trưởng GRDP của thành phố đạt 14,05%, xếp thứ ba cả nước về tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách của thành phố đạt hơn 120% so với dự toán.
Bên cạnh đó, từ năm 2004 đến nay, Đà Nẵng là địa phương tự cân đối thu chi ngân sách và chuyển đóng góp ngân sách về Trung ương ngày càng tăng. Cơ cấu thu có nhiều chuyển biến tích cực, thu nội địa bình quân chiếm hơn 80% tổng thu ngân sách trên địa bàn và có xu hướng tăng dần qua các giai đoạn, tỷ trọng thu tiền sử dụng đất trong thu nội địa giảm từ 53,2% trong giai đoạn 2004-2005 xuống còn 16,8% trong giai đoạn 2016-2020. Điều này cho thấy có sự chuyển dịch cơ cấu thu ngân sách theo hướng bền vững hơn.
Đà Nẵng cũng chủ trương duy trì tốc độ tăng chi ngân sách hợp lý, phù hợp với khả năng thu, trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, phù hợp với các định hướng của Trung ương về cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước. Cơ cấu chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn nhìn chung có sự chuyển hướng tích cực với việc tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển. Thành phố cũng phân bổ dự toán chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ bảo đảm không thấp hơn dự toán Trung ương giao.
Tuy nhiên, Đà Nẵng cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nguồn thu ngân sách Nhà nước sang hướng bền vững hơn, không phụ thuộc vào nguồn lực đất đai như trước đây nữa. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường khai thác để gia tăng nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Thực tế, một số cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương chưa phát huy hiệu quả. Chẳng hạn, Trung ương đã có cơ chế “được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật” nhưng trong điều kiện bình thường với nguồn thu ngân sách ổn định, bảo đảm đạt dự toán được giao hằng năm thì cơ chế này không phát huy tác dụng.
Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đà Nẵng được lựa chọn là thành phố thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên, đến nay cơ chế, chính sách phân cấp quản lý tài chính ngân sách cũng như phân cấp ngân sách phù hợp với mô hình chính quyền đô thị vẫn chưa hoàn thiện để tạo động lực cho Đà Nẵng có thể khơi thông và huy động nhiều nguồn lực hơn cho việc tăng thu ngân sách. Bên cạnh đó, do tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nên mặc dù thành phố luôn ưu tiên bố trí nguồn vốn nhằm đảm bảo dự toán chi đầu tư phát triển đạt từ 40% trở lên so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương nhưng thường không đạt được dự toán giao đối với chi đầu tư phát triển.
Thiết nghĩ, thời gian đến, thành phố cần kết hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan Trung ương để được phê duyệt các chủ trương mới giúp thành phố gia tăng nguồn thu cũng như gia tăng tính hiệu quả của các cơ chế đã được ban hành. Đồng thời, có các giải pháp bảo đảm hoạt động chi đầu tư phát triển đạt được dự toán đề ra thông qua đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thu ngân sách cũng cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa để chi tiêu ngân sách tiết kiệm, hiệu quả.
KIM NGÂN