Thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn lực quan trọng, tạo động lực lớn để phát triển kinh tế thành phố. Vì vậy, công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, được thành phố rất quan tâm chỉ đạo… Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Huỳnh Liên Phương về nội dung này.
Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Huỳnh Liên Phương |
* Để đẩy mạnh thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong thời gian tới, thành phố có những giải pháp gì, thưa bà?
- Năm 2023 được thành phố xác định là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”, do vậy thành phố tập trung tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc giải quyết nhanh các thủ tục, đẩy nhanh công tác quy hoạch và hỗ trợ thực hiện các thủ tục tiếp cận đất đai để đón đầu các dự án đầu tư.
Giải pháp trọng tâm như về quy hoạch là tập trung hoàn thành các quy hoạch phân khu theo Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/ QĐ-TTg ngày 15-3-2021 về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Về hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các công trình động lực, trọng điểm, liên kết vùng như: cảng Liên Chiểu, mở rộng quốc lộ 14B, triển khai thi công cao tốc La Sơn - Túy Loan (đoạn Hòa Liên - Túy Loan), mở rộng đường tránh nam Hải Vân; đường kết nối Khu Công nghệ cao với đường cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển nối cảng Liên Chiểu…
Đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm số 2; Cụm công nghiệp Cẩm Lệ; hoàn chỉnh thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2; hoàn thiện thủ tục tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Ninh; tiếp tục thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất kêu gọi đầu tư các dự án trung tâm thương mại quốc tế, viện dưỡng lão, bệnh viện quốc tế, trường quốc tế liên cấp…
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư. Ảnh: THÀNH LÂN |
Đồng thời giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, thủ tục đầu tư, tiến tới khởi công triển khai một số dự án có quy mô đầu tư lớn đã được cấp phép đầu tư, tái khởi động một số dự án bất động sản, khu đô thị. Cùng với đó, hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện các dự án đã được trao thông báo nghiên cứu đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác; tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư tại chỗ mở rộng sản xuất, tăng vốn đầu tư.
Hoàn thiện đưa vào sử dụng bản đồ số về các dự án kêu gọi đầu tư vào Đà Nẵng, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu thông tin và địa điểm đầu tư dự án trên môi trường số, không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý.
Đặc biệt, về công tác quảng bá sẽ tổ chức Diễn đàn Đầu tư 2023 (tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng cảng biển, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng khu đô thị, khu du lịch sinh thái…).
* Định hướng thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian đến chú trọng ở những thị trường nào?
- Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung tăng cường tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng tại các thị trường trọng điểm nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc…; chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn.
Trong năm 2023, thành phố chủ động tiếp cận, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước đến đầu tư tại thành phố. Ngoài ra, đối với lĩnh vực công nghệ cao - trọng tâm phát triển của thành phố trong thời gian đến, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao, hoàn thiện thủ tục Khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.
Nhân chuyến công tác đến Nhật Bản, ngày 31-3 Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (thứ 2, bên phải sang) đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Mitsubishi Corporation để trực tiếp xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng. Ảnh: IPA Danang |
Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, một trong những thế mạnh nổi bật của thành phố trong thời gian qua, thành phố đã có kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực song song với việc ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Riêng lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, thành phố đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án như khu tổ hợp thương mại, thể thao, giải trí quốc tế... một số khu đất kêu gọi đầu tư các dự án giáo dục, y tế đã được đấu giá thành công và sẽ triển khai xây dựng trong năm 2023, nhiều dự án đang trong quá trình triển khai thủ tục cần thiết để đấu giá trong năm 2023.
* Kết quả thu hút đầu tư vào Đà Nẵng đạt nhiều tín hiệu khả quan, song vẫn chưa có sự đột phá, đặc biệt là việc thu hút nguồn vốn FDI. Vậy đâu là nguyên nhân?
- Trong năm vừa qua, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đà Nẵng vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng. Về khách quan và chủ quan, chúng ta có thể thấy quỹ đất sản xuất của thành phố hiện còn hạn chế. Các khu công nghiệp chưa có nhiều chính sách ưu đãi nên khó cạnh tranh với các địa phương lân cận.
Các nhà đầu tư muốn đầu tư và hưởng các ưu đãi đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cần phải đáp ứng các tiêu chí về sản phẩm và công nghệ… theo quy định. Thực tế cho thấy số lượng các nhà đầu tư đáp ứng được các tiêu chí này còn khá khiêm tốn.
Bên cạnh đó, việc thu hút các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ, logistics, hạ tầng khu công nghiệp gặp nhiều vướng mắc, kéo dài thời gian chủ yếu vì các thủ tục liên quan đến quy hoạch, đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất phức tạp.
Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa cụ thể, rõ ràng. Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ tại thành phố chưa phát triển, thiếu cả về số lượng và kém cạnh tranh về chất lượng; nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin còn thiếu...
* Các lĩnh vực Đà Nẵng đang thu hút sự quan tâm và có sức hút đối với các nhà đầu tư là gì, thưa bà?
- Hiện thành phố đang có nhiều lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước nói riêng và doanh nghiệp FDI nói chung như: sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, hiện chiếm hơn 50% số vốn đầu tư đăng ký vào thành phố.
Tính đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đạt khoảng 850 triệu USD với 27 dự án. Lĩnh vực công nghệ thông tin hiện có gần 100 doanh nghiệp có vốn FDI đang hoạt động; và có hơn 20 doanh nghiệp đang có nhu cầu thuê văn phòng tại Khu Công viên phần mềm số 2…
* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi.
THÀNH LÂN thực hiện