Từ ngày 4-5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng từ 1.864,44 đồng lên 1.920,37/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Việc tăng giá điện tất yếu tác động đến các mặt hoạt động, tuy nhiên, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân buộc phải có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm để cân đối chi phí, bảo đảm tình hình sản xuất cũng như tiêu dùng.
Việc tăng giá điện tất yếu tác động đến người dân và doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) đang làm việc. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Theo đó, bảng giá điện mới được chia thành 6 bậc và khách hàng sử dụng khối lượng điện càng nhiều, mức giá sẽ càng cao. Theo Quyết định số 1062/QĐ-BCT ngày 4-5-2023 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện, với mức tăng 3% thì tiền điện của hộ tiêu thụ dưới 50kWh/tháng sẽ tăng 2.500 đồng/hộ, giá bán lẻ điện là 1.728 đồng/kWh.
Hộ sử dụng từ 51 -100 kWh/tháng, tiền điện tăng thêm từ 2.500-5.100 đồng/hộ với mức giá 1.786 đồng/kWh. Hộ sử dụng từ 101-200kWh/tháng sẽ chịu mức tăng thêm tối đa là 11.100 đồng/hộ, giá bán 2.074 đồng/kWh. Hộ sử dụng từ 201-300kWh/tháng, tiền điện tăng thêm từ 11.100 -18.700 đồng/hộ. Đối với hộ sử dụng từ 301-400 và từ 401kWh trở lên sẽ chịu mức tăng lần lượt là 27.200 đồng và 36.000 đồng/hộ.
Cải tiến công nghệ, chủ động tiết kiệm
Triển khai các giải pháp tiết kiệm điện là định hướng mà các doanh nghiệp đã và đang thực hiện để giảm chi phí sản xuất. Từ năm 2021 tới nay, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã đầu tư nhiều thiết bị dây chuyền mới hiện đại như: dây chuyền luyện kín, các máy lưu hóa, các máy thành hình... của Đức, Ý có hiệu suất cao, tiết kiệm điện. Đặc biệt, công ty đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà tổng công suất gần 4MWp. Bên cạnh đó, công ty thay thế bóng đèn huỳnh quang sang công nghệ led, lắp đặt hệ thống giải nhiệt tại xưởng săm xe đạp - xe máy từ công suất 30kW xuống còn 6kW, giảm thời gian chạy không tải bằng cách sử dụng biến tần để kiểm soát áp suất trong hệ thống máy nén khí…
Các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, chủ động tiết kiệm điện để cân đối chi phí, bảo đảm tình hình sản xuất. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đang sản xuất. Ảnh: MAI QUẾ |
Ngoài ra, công ty còn phát động nhiều chương trình sáng kiến cải tiến kỹ thuật từ người lao động công ty như: lắp đặt 7 bộ biến tần 15kW cho động cơ các máy cán hình tại xí nghiệp xe đạp - xe máy; giải pháp thay máy phát sinh nguồn lạnh chiller công suất 60kW cho bể nước làm mát tại xí nghiệp cán luyện bằng 2 tháp giải nhiệt CS 22kW; giải pháp thay đổi quy trình hoạt động của máy luyện hở công suất 240kW tại xí nghiệp cán luyện... góp phần tiết kiệm năng lượng tối ưu trong hoạt động sản xuất.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc công ty thông tin thêm, bên cạnh việc đầu tư cải tiến công nghệ, công ty còn thành lập Ban Tiết kiệm năng lượng để quán triệt tinh thần tiết kiệm năng lượng tối đa, nhờ vậy mà từ việc giá điện chiếm từ 10-12% chi phí sản xuất, đến nay chi còn chiếm từ 3-5%. Định hướng của công ty thời gian đến là tận dụng năng lượng từ điện mặt trời mái nhà để tiếp tục giảm chi phí.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Giải pháp và Ứng dụng công nghệ INTELTECH (quận Cẩm Lệ) cũng chủ động đầu tư các máy móc để cải tiến công nghệ từ giữa năm 2022. Việc sử dụng máy móc hiện đại giúp công ty tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất, trong đó giảm từ 40-50% chi phí tiêu thụ điện năng. Trong khi đó, cũng có công ty chưa đủ nguồn lực để cải tiến công nghệ như Công ty TNHH MTV Cơ khí - Mạ Đà Nẵng (quận Liên Chiểu).
Ông Nguyễn Liên, Giám đốc công ty cho biết, qua rà soát, tất cả chi phí đầu vào như: tiền nước, bảo hộ lao động, bảo hiểm, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển… đều tăng lên qua các năm; đặc biệt có những chi phí tăng gấp 2 lần như giá cát xây dựng. Tuy nhiên, tiền lương của người lao động và các khoản phúc lợi không thể giảm mà vẫn phải giữ nguyên để giữ chân người lao động. Vì vậy, để thích ứng với giá điện mới, doanh nghiệp sắp xếp lịch làm việc, máy móc thuận tiện, khoa học hơn, không để tình trạng động cơ vận hành mà năng suất thấp.
Sử dụng điện hiệu quả
Trước việc điều chỉnh giá bán lẻ điện hiện nay, vấn đề sử dụng hiệu quả, tiết kiệm là giải pháp được nhiều người dân quan tâm. Anh Đỗ Văn Phú (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho biết, gia đình anh đang cho thuê phòng trọ. Tổng chi phí chi trả tiền điện sinh hoạt của gia đình và cho thuê dao động từ 3-4 triệu đồng/tháng. Thông thường, vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của gia đình anh tăng mạnh. Để tiết kiệm, anh hạn chế dùng nhiều thiết bị, ngắt dụng cụ điện sinh nhiệt không cần thiết.
“Theo tôi, mặc dù khó khăn nhưng sau 4 năm, việc điều chỉnh giá điện tăng cũng không quá bất ngờ. Tuy nhiên, cơ quan Nhà nước cần có biện pháp bình ổn giá để hạn chế tình trạng các loại hàng hóa khác “tát nước theo mưa”, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân”, anh Phú nói.
(Nguồn: Bộ Công Thương; đồ họa: ANH DUY) |
Trong khi đó, mỗi tháng, cơ sở sản xuất kinh doanh Thảo Sinh (86 Phạm Nhữ Tăng, quận Thanh Khê) phải trả khoảng 5-6 triệu đồng tiền điện cho việc sản xuất. Ông Nguyễn Phi Sinh, chủ cơ sở cho hay, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Song, đây là tình hình chung nên các đơn vị cần cân đối các khoản chi phí, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để bảo đảm chi phí sản xuất, lợi nhuận. Sắp đến, cơ sở sẽ điều chỉnh thời gian làm việc và tiết kiệm điện tối đa nhưng vẫn bảo đảm tình hình sản xuất, kinh doanh.
Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng cao, hoạt động với cường độ liên tục dễ dẫn đến sản lượng điện tiêu thụ, hóa đơn tiền điện tăng và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chập điện, quá tải… Trước tình trạng này, PC Đà Nẵng khuyến cáo một số giải pháp sử dụng điện hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phòng ngừa hỏa hoạn. Theo đó, khách hàng cần thường xuyên theo dõi chỉ số công-tơ của gia đình qua ứng dụng EVNCPC CSKH, Zalo OA Tổng Công ty Điện lực miền Trung để có kế hoạch sử dụng điện hợp lý. Đồng thời, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm; chọn mua thiết bị điện nhãn xanh tiết kiệm năng lượng, công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng. Mặt khác, kiểm tra, tắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi ra khỏi nhà hoặc khi ngủ.
Sản lượng điện thương phẩm tăng 10,95% so với cùng kỳ Theo PC Đà Nẵng, công suất điện cực đại 4 tháng đầu năm 2023 đạt 542 MW, tăng 24,3% so với cùng kỳ 2022 (436 MW). Sản lượng điện thương phẩm lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 903,25 triệu kWh, tăng 10,95% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, thành phần quản lý tiêu dùng dân cư đạt 362,79 triệu kWh, tăng 8,64%; thành phần thương nghiệp - khách sạn - nhà hàng đạt 170,68 triệu kWh, tăng 66,08% và thành phần công nghiệp xây dựng đạt 312,5 triệu kWh, giảm 5,11% so với cùng kỳ. |
MAI QUẾ - VĂN HOÀNG