Giá cả hàng hóa tăng trước thềm tăng lương cơ sở

.

Giá xăng, điện tăng... đang là các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến việc tăng giá của nhiều mặt hàng thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng. Nay trước thời điểm thực hiện tăng lương cơ sở áp dụng từ 1-7-2023, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp điều hành, ổn định giá cả thị trường, bảo đảm đời sống của người dân.

Nhiều chương trình khuyến mãi được triển khai nhằm bình ổn giá, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.  Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị. Ảnh: VĂN HOÀNG
Nhiều chương trình khuyến mãi được triển khai nhằm bình ổn giá, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại siêu thị. Ảnh: VĂN HOÀNG

Nhiều mặt hàng tăng giá

Theo ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn như các chợ Hòa Khánh, Hòa An, chợ Cồn, chợ đầu mối Hòa Cường… nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá so với các tháng trước. Những mặt hàng tươi sống như thịt, hải sản… được ghi nhận có mức tăng cao, riêng rau, củ, quả với mức tăng từ 10-50%. Đối với các mặt hàng đông lạnh cũng có mức tăng từ 15-20%.

Theo các chủ cơ sở kinh doanh, tiểu thương, các chi phí vận chuyển, bảo quản nguyên liệu, giá điện tăng… là nguyên nhân chính ảnh hưởng của giá cả các mặt hàng. Bà Nguyễn Thị Tuyết, tiểu thương tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) thông tin, so với tháng trước, giá các mặt hàng rau, củ, quả đều có sự biến động, tăng từ 2.000-10.000 đồng/kg tùy mặt hàng.

Cụ thể, giá cà chua Đà Lạt khoảng 30.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng); cà rốt tăng 5.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; rau muống tăng 5.000 đồng lên mức 15.000 đồng/bó; các loại cải đều tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg… “Rau, củ, quả là thực phẩm tiêu dùng nên lượng tiêu thụ rất mạnh. Nếu các chi phí khác tiếp tục tăng cao thì khả năng các mặt hàng thực phẩm sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, bà Tuyết cho hay.

Tương tự, với các mặt hàng thịt, giá cả đã bắt đầu tăng từ đầu tháng 6. Cụ thể, thịt heo ba chỉ có giá dao động từ 130.000-140.000 đồng/kg; sườn non giá từ 150.000-160.000 đồng/kg; thịt nạc vai từ 90.000-100.000 đồng; giò heo từ 90.000-110.000 đồng/kg. So với thời điểm đầu tháng 5, các sản phẩm thịt heo tươi sống đã tăng từ 6-10%.

Chị Trương Thị Thắm (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho biết, giá thực phẩm tăng khiến những người thường xuyên đi chợ như chị phải tính toán để cân đối chi phí. Hiện nay, mỗi ngày chị phải chi khoảng 150.000 đồng - 200.000 đồng để đi chợ, tăng 50.000 đồng so với trước. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ một tiệm ăn trên đường Tôn Đản (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) chia sẻ, sau khi giá thực phẩm tăng, một số món ăn trong tiệm bắt buộc tăng theo để tránh lỗ.

Được biết, từ cuối năm 2022 đến nay, bà Hạnh đã tăng giá khoảng 25%/món. “Nếu giá thực phẩm tiếp tục tăng thì tôi cũng không thể tăng theo vì sẽ mất khách. Vì thế, tôi đã giảm một số món ăn và nguyên liệu để tối ưu chi phí, tránh lỗ”, bà Hạnh nói.

Cơ quan chức năng cần có những giải pháp điều hành, ổn định giá cả thị trường, bảo đảm đời sống người dân. Trong ảnh: Người dân đang chọn mua thực phẩm tại siêu thị Go! Đà Nẵng. Ảnh: V.H
Cơ quan chức năng cần có những giải pháp điều hành, ổn định giá cả thị trường, bảo đảm đời sống người dân. TRONG ẢNH: Người dân đang chọn mua thực phẩm tại siêu thị Go! Đà Nẵng. Ảnh: V.H

Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2023 tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 17,82%; giáo dục tăng 11,41%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,83%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 7,13%... Riêng trong tháng 5-2023, giá nước, điện sinh hoạt lần lượt tăng 2,75% và 4,73% so với tháng trước do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng của người dân tăng; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng giá ở mức 0,27% do một số hàng quán tăng giá nước uống để bù đắp các khoản chi phí phát sinh…

Bà Lê Thị Hiền, Giám đốc Co.opmart Sơn Trà, Chi nhánh Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tại hệ thống siêu thị, những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (gạo, dầu ăn, trứng…) đang được giữ ổn định. Tuy vậy, để hỗ trợ người dân và kích cầu mua sắm, siêu thị đã triển khai thêm các chương trình khuyến mại, giảm giá lên đến 50% đối với một số loại thực phẩm, quần áo, hóa mỹ phẩm...

“Việc giá điện, giá xăng tăng sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do nhà cung cấp đều tăng giá nguyên, vật liệu. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng giữ giá ổn định trong thời gian lâu nhất có thể. Trường hợp nếu phải điều chỉnh giá, đơn vị sẽ cân nhắc thật kỹ mức độ tăng giá để bảo đảm hài hòa lợi ích của siêu thị và người tiêu dùng”, bà Hiền cho hay.

Theo Sở Công Thương, để tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh, giới thiệu, quảng bá thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ kích cầu thị trường; đồng thời, tạo điều kiện cho người dân, du khách tiếp cận hàng hóa, dịch vụ chất lượng với giá cả phù hợp, sở đã phát động và tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện, tiêu biểu như Tháng khuyến mại kích cầu mua sắm trên địa bàn thành phố diễn ra từ ngày 6-6 đến 8-8-2023.

Tính đến nay, hơn 4.000 doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã hưởng ứng tham gia đa dạng các hoạt động, chương trình khuyến mãi hấp dẫn lên tới 100% giá trị sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, tháng khuyến mại có sự tham gia của các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn thành phố với hơn 5.000 sản phẩm khuyến mại cùng nhiều hoạt động, chương trình.

Mới nhất, tại Công viên Biển Đông, từ ngày 23 đến 25-6, Sở Công Thương đã tổ chức chương trình “Quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng - Đà Nẵng 2023”, thu hút lượng lớn người dân, du khách mua sắm hàng hóa với giá cả hợp lý, chất lượng, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố Đà Nẵng cho biết, qua chương trình, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp Đà Nẵng sẽ được quảng bá đến với du khách. Đây cũng là hoạt động xúc tiến thương mại, giúp cho doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và bán các sản phẩm từ các nhà sản xuất với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng trong thời điểm hiện nay.

Để tăng cường công tác điều hành giá các tháng còn lại trong năm 2023, UBND thành phố ban hành Công văn số 2237/UBND-SCT yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường và thực hiện báo cáo tình hình giá cả thị trường trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, tăng cường tổ chức hướng dẫn, rà soát kê khai giá của các đơn vị vận tải. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện văn minh thương mại, kê khai, niêm yết giá, bán hàng bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giá nhằm bình ổn thị trường giá cả, đặc biệt trong các dịp lễ.

VĂN HOÀNG - CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.