GRDP thành phố Đà Nẵng 6 tháng đầu năm ước tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2022

.

ĐNO - Ngày 30-6, Cục Thống kê thành phố tổ chức họp báo công bố các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2023.

Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Trần Văn Vũ (bên phải) công bố số liệu kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: M.Q
Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Trần Văn Vũ công bố số liệu kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: M.Q

Theo đó, GRDP thành phố 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, so với 6 tháng đầu năm 2019, thời điểm chưa có Covid-19, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 13,48%.

Trong mức tăng 3,74% toàn nền kinh tế 6 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,22% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,15%, đóng góp 4,18 điểm và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,4%, đóng góp 0,04 điểm. Riêng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,6%, làm giảm 0,51 điểm.

Quy mô nền kinh tế thành phố trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 64.784 tỷ đồng, mở rộng hơn 5.318 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với gần 4.810 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng hơn 122 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng 17 tỷ đồng.

Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 6 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,73%; khu vực dịch vụ chiếm 69,19%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 9,93%.

Với kết quả trên, Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương, 6/8 tỉnh thành phố vùng duyên hải miền Trung. Đà Nẵng xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng GRDP; 17/63 tỉnh, thành phố về quy mô GRDP.

Tổng thu ngân sách Nhà nước đến ngày 20-6 đạt 9.679 tỷ đồng, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 2.705 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương đạt 9.299 tỷ đồng. 

Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến ngày 20-6 đạt 13.121 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 5.160 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022; chi thường xuyên đạt 7.941 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 2.103 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 9.185 tỷ đồng, giảm 11% về số doanh nghiệp và giảm 30,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 13.783 tỷ đồng, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 4.003 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ; vốn ngoài Nhà nước đạt 8.300 tỷ đồng, giảm 28%; vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1.691 tỷ đồng, giảm 40,2%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,427 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu ước đạt 892,5 triệu USD, giảm 13,8%; nhập khẩu ước đạt 534,4 triệu USD, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2022.  

Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 (CPI) tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2022. Trong mức tăng 6,74% của CPI, có 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, 9/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.

Nhóm hàng có CPI tăng là nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 16,68%; giáo dục tăng 11,39%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 7,06%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,39%; đồ uống và thuốc lá tăng 6,24%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,03%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 5,77%; văn hóa, giải trí, du lịch tăng 4,04%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,94%. Bên cạnh đó, 2 nhóm hàng giảm là giao thông giảm 6,74% và bưu chính viễn thông giảm 0,92%. 

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.