Ngày 5-7, CLB Hội viên vàng - Hội Doanh nhân trẻ thành phố tổ chức tọa đàm “Doanh nghiệp ứng phó khủng hoảng trong biến động toàn cầu" nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để vượt qua khó khăn do lạm phát gia tăng, nhu cầu của các nền kinh tế phát triển giảm mạnh, giá nguyên liệu sản xuất tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy...
Ông Trần Sĩ Chương, nguyên chuyên viên cố vấn kinh tế - ngân hàng cho Quốc hội Hoa Kỳ nhận định, nội lực kinh tế (cơ sở hạ tầng, môi trường làm ăn, độ minh bạch an toàn đầu tư…) trong nước vẫn chưa đủ mạnh, mức độ giải ngân đầu tư công, đầu tư nước ngoài, trong nước đều đang giảm nhanh.
Một thời gian dài, nguồn lực trong nước tập trung quá nhiều vào bất động sản, đặc biệt vào phân khúc giá cao, vốn là lĩnh vực kinh doanh có hiệu quả đầu tư lâu dài thấp cho xã hội, điều này khiến nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng khi bất động sản "đóng băng".
Trước những áp lực, thách thức, ông Trần Sĩ Chương cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng cắt giảm những lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả, nắm bắt các thông tin vi mô, vĩ mô của thế giới và trong nước liên quan đến ngành nghề, công việc của mình, đặc biệt là nguồn thông tin từ các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp, kết nối với những nguồn lực trong và ngoài nước.
Trong khi đó, Giáo sư Trần Văn Thọ - giáo sư danh dự của Đại học Waseda (Nhật Bản) chia sẻ, nhiều năm trước, khi nói về việc đáp ứng chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta nói về chất lượng, giá cả và các điều khoản giao nhận.
Hiện tại, ngoài các điều kiện trên, chuỗi giá trị toàn cầu đòi hỏi nhiều hơn, đó là yêu cầu về môi trường, về sản xuất thân thiện, sản xuất xanh… các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xác định rõ sự ổn định trong thị trường lao động, sự thay đổi về giáo dục, đào tạo là rất quan trọng vì chất lượng nguồn nhân lực đang là thách thức lớn nhất của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.
M.QUẾ - NGỌC BÍCH