Sau hơn 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có trên 85% người tiêu dùng Đà Nẵng tin dùng hàng trong nước. Kết quả này cho thấy, hàng Việt đã có chỗ đứng thị trường trong nước.
Cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường. |
Theo thống kê từ Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, trước năm 2009, số người quan tâm đến hàng Việt chỉ chiếm 50%, nhưng nay đã tăng lên hơn 85% và theo dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tại một số siêu thị lớn như Big C, Co.opMart... tốc độ tiêu thụ hàng nội địa bình quân trong năm vào khoảng 80 - 95%. Qua thống kê từ nhà bán lẻ Big C, lượng khách hàng trước đây ưa dùng hàng ngoại như đồ gia dụng, sữa, thực phẩm chức năng, bia, rượu, nước giải khát... nay quay về sử dụng hàng nội. Nhiều ngành hàng thực phẩm tươi sống, đồ uống, đồ đông lạnh... hàng Việt chiếm gần như tuyệt đối. Còn tại các chợ ở Đà Nẵng, người bán cũng đã hướng vào các mặt hàng Việt chất lượng. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với các nhà sản xuất Việt Nam.
Chưa khi nào, hai từ “hàng Việt” được nhắc nhiều trong những năm gần đây. Đi liền đó, hoạt động xúc tiến thị trường trong nước liên tục diễn ra với mật độ dày đặc như: Ngày hội hàng Việt, Phiên chợ hàng Việt, Hội chợ hàng Việt… Ngoài ra, trên các diễn đàn thông tin đại chúng, nhiều hội thảo, tọa đàm về chủ đề “Các giải pháp phát triển hàng Việt”, “Tết của hàng Việt”, “Hàng Việt đến với khu công nghiệp”, “Nhu cầu hàng Việt ở nông thôn”, “Tháng bán hàng Việt”… trở nên sôi động và có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng khi được hỏi đều có chung đánh giá lạc quan về hàng Việt như mẫu mã đã có sự cải tiến, chất lượng nâng cao, nhà sản xuất có trách nhiệm hơn với người tiêu dùng… Có lẽ vì thế hàng Việt Nam đang từng bước lấy được cảm tình người tiêu dùng.
Để hàng Việt có được thế mạnh như hiện nay, phải kể đến vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, của doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối và sự vận động của Ủy ban MTTQ các cấp cũng như các hội, đoàn thể. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty chuyên sản xuất lót giày Hương Quế cho rằng, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều loại hàng hóa của các doanh nghiệp có thương hiệu bị làm giả, làm nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí nhiều sản phẩm hàng Việt bị làm giả ở nước ngoài để bán trên thị trường. Điều đó chứng tỏ hàng “Made in Vietnam” từng bước chiếm được cảm tình của người sử dụng trong và ngoài nước.
“Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” đang được các doanh nghiệp quan tâm và thể hiện sự đóng góp của mình vào chương trình bằng những sáng kiến riêng. Ông Văn Công Quang, Tổng Giám đốc Truyền hình Cáp Sông Thu Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi đang đề nghị với lãnh đạo thành phố có chính sách khuyến khích trao giải đối với các doanh nghiệp trên địa bàn dùng hàng của nhau. Ngoài ra cần có các cuộc thi liên kết bán hàng giữa các hội đoàn thể với nhau. Đây chính là cách để thúc đẩy hàng Việt nói chung và sản phẩm của các doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng ngày càng xâm nhập rộng rãi vào thị trường”. Lãnh đạo Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cũng đã đề xuất thành phố tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở các điểm trưng bày, quảng bá, mua bán, trao đổi sản phẩm…
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng, từng bước kích thích sản xuất hàng hóa Việt Nam có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng, sản xuất hàng Việt có chất lượng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Bài và ảnh: HỒNG ANH