.

Chính quyền và doanh nghiệp cùng gắng sức

.

Vốn vay, lãi suất ngân hàng, nợ đọng thuế, giá thuê đất, bố trí mặt bằng, thủ tục hành chính, thông tin công khai minh bạch… là những vấn đề nóng nhất được các doanh nghiệp trên địa bàn quận Liên Chiểu phản ánh với lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành trong buổi gặp mặt nhân “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” hôm 14-3 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” Võ Duy Khương.

Nhiều vấn đề bức xúc được doanh nghiệp nêu ra tại buổi đối thoại.
Nhiều vấn đề bức xúc được doanh nghiệp nêu ra tại buổi đối thoại.

Thuyền không có nước sao vươn khơi?

Bị “tổn thương” nặng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và khó khăn trong nước, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn quận Liên Chiểu giảm doanh thu mạnh, khả năng tái đầu tư yếu, vốn bị ăn dần, nợ thuế và luôn phải loay hoay tìm đường đi.

Giãi bày hoàn cảnh của mình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nho Chiến (chuyên sản xuất đá xây dựng) Nguyễn Nho Chấn bức xúc: “Với tình hình nhiều DN đang nợ thuế, chúng tôi cũng muốn đóng góp nguồn thu cho thành phố, nhưng hiện nay thuế môi trường quá cao, tăng gấp 4,5 lần so với mức cũ trong khi sản phẩm không bán được. Giữa lúc đất đai ế ẩm thì thành phố cho phép khu đô thị Phước Lý xây dựng tiến sát mỏ đá, rồi sau đó bắt DN khai thác phải đóng cửa nhường đất. Mỗi năm chúng tôi nộp ngân sách 3-4 tỷ đồng và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Việc đầu tư máy móc vài chục tỷ đồng, bây giờ bảo phải đóng cửa mỏ đá mà ngành nghề này đâu phải ngày một ngày hai là thu hồi vốn. Tại sao có sự bất công giữa các DN như vậy? Chúng tôi như người con của thành phố, nếu người con đau ốm thì người cha cũng chẳng có vui gì”.

Ví von hình ảnh “con thuyền không có nước sao ra khơi”, bà Hoàng Thị Hồng Nhạn, Giám đốc Công ty Khải Phát (lĩnh vực cơ khí) đặt vấn đề: “Các ngân hàng hiện nay thừa vốn nhiều nhưng DN lại khó tiếp cận bởi ngân hàng muốn cho vay chỉ đi tìm DN “khỏe mạnh, vẹn toàn”, chứ “ốm đau” thì không cho vay. DN đau thì mới cần uống thuốc cho nên chúng tôi mong các ngân hàng xem xét lại cả quá trình hoạt động của DN, chứ đừng xem xét ở thời điểm họ “đau ốm”. Có thời điểm chính sách lãi suất do ngân hàng đưa ra 18% nhưng khi cần vốn, DN tôi đã phải chịu mức lãi suất tới 24% mà đâu biết kêu ai. Có điều, đến nay chúng tôi vẫn chung thủy với ngân hàng đó, chứ không phải khó khăn là bỏ đi”.

Trên tinh thần vừa góp ý vừa kiến nghị, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kết cấu thép BMF cho rằng: “Thật sự 3 năm qua, sự giật cục tài chính đã làm nhiều DN không chịu đựng nổi, phải buông tay và nó đã làm chùn bước nhiều DN khác. Sự kết nối giữa các DN và thành phố chưa phát huy tác dụng mà đa số chỉ tự vận động nên không phát huy được sức mạnh, ngược lại còn giẫm đạp lên nhau, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến chu kỳ sống của DN ngắn. Bất cứ doanh nhân nào khi bước vào thương trường đều có những phương án tính toán riêng cho nên lãnh đạo thành phố và các sở, ngành nên tin tưởng động viên để doanh nhân thực hiện mong muốn của mình, chứ không nên soi xét tìm khuyết điểm để sự gần gũi giữa chính quyền và DN sẽ cởi mở, thân thiện hơn.”    

Trách nhiệm phải từ cả hai phía

Chủ trì buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương khẳng định: Năm 2014 là “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng” không có nghĩa các DN chỉ trông chờ xem thành phố có làm được gì cho DN mà đây là môi trường phấn đấu vươn lên thực hiện chức trách của mình để phát triển và đóng góp cho xã hội. “Năm Doanh nghiệp” là điểm tựa để các DN vươn lên chứ đừng nghĩ thành phố sẽ làm được gì cho mình. Rất nhiều DN ở đây đang nợ thuế của Nhà nước, có đơn vị nợ trên 2,4 tỷ đồng, đơn vị nợ thấp cũng 96 triệu đồng. Nói như vậy để thấy trách nhiệm từ hai phía. Lãnh đạo thành phố xem xét ở góc độ cái gì tháo gỡ được trước mắt giải quyết ngay, còn những yêu cầu nào chưa thực hiện ngay được thành phố sẽ có chủ trương sau. Các vấn đề DN góp ý như chính sách quy hoạch đất đai, tiếp xúc DN, được lãnh đạo thành phố tiếp thu ghi nhận.

Ngay tại buổi họp, Phó Chủ tịch Võ Duy Khương phê bình trực tiếp Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã bỏ cuộc họp quan trọng này; đồng thời yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành của thành phố phải có ngay câu trả lời thỏa đáng, giải đáp những thắc mắc của các DN như: Tiền cơ sở hạ tầng tại sao không tính bằng đồng Việt Nam mà tính bằng USD, DN nợ tiền đất 5-7 năm mới được thông báo và phạt tiền, các chính sách mới phải để DN mò mẫm tìm kiếm… Sắp tới thành phố sẽ thành lập Ban tư vấn hỗ trợ theo yêu cầu của DN, hướng những đơn vị có nhu cầu và đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ quỹ đầu tư, bảo lãnh của thành phố, trực tiếp nắm tình hình tại từng DN cụ thể.

Chia sẻ về mối quan hệ giữa DN và các ngân hàng, ông Võ Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đà Nẵng, lưu ý các ngân hàng TMCP cần quan tâm xem xét đến quá trình hoạt động của DN. Đối với việc định giá tài sản thế chấp, trong chừng mực nào đó không nên thấp quá mà phải căn cứ vào giá Nhà nước. Hiện có tới 90% số dư nợ cũ từ năm trước được NHNN chỉ đạo đưa về lãi suất theo quy định mới.

Trả lời một số ý kiến phản ánh của DN về quy định viết hóa đơn chi tiết rườm rà, đại diện Cục Thuế thành phố cho biết: Quy định ghi hóa đơn có tên xã, phường đầy đủ có từ nhiều năm trước chứ không phải bây giờ, nhưng do DN có thói quen thực hiện không đầy đủ. Thời gian qua, Cục Thuế cũng “nhẹ nhàng” đối với DN, nhưng hiện Bộ Tài chính yêu cầu phải ghi đầy đủ, nếu không thực hiện DN sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Liên quan đến việc nợ đọng thuế, giãn nợ, khoanh nợ, trả chậm, ông Lưu Đức Sáu, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố cho hay: “Chính sách thuế được quy định rõ nên không thể sửa được, có chăng chúng tôi chỉ có thể ghi nhận và góp ý cho những lần soạn thảo về sau. Lâu nay chúng tôi cũng hết sức linh hoạt với DN. Thực tế thời gian qua cơ quan thuế cũng đã gia hạn, phân kỳ cho các DN nhưng như vậy là chúng tôi làm sai đấy...”.

Về đề nghị được tạo điều kiện cho thuê đất với giá ưu đãi, lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi trường trả lời: Chỉ DN nào có tâm huyết mới tiếp tục giao đất, còn những đơn vị không sử dụng thì bị thu hồi. Đồng ý với ý kiến của DN tình trạng “đi đêm” trong đấu thầu, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc sở này cho hay, rất nhiều công trình có sự tham gia của DN Đà Nẵng nhưng không trúng thầu mặc dù chúng tôi đứng ra bảo vệ rất nhiều lần. Trong khi DN Hà Nội, Sài Gòn thì trúng hết, ở đây cũng nảy sinh vấn đề tiêu cực. Về nội dung Công ty Nho Chiến phản ánh, việc tăng phí môi trường là quy định của Chính phủ, sở không thể tùy tiện giải quyết. Việc đóng cửa mỏ đá đã có thông báo và gia hạn nhiều năm. Sắp tới sở sẽ cùng DN tìm địa chỉ mới để khai thác...

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương nhấn mạnh: Chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” đã được phân công cụ thể cho các sở, ban, ngành và đề nghị các DN kết nối để nắm thông tin cụ thể trên Trang Thông tin điện tử thành phố, Báo Đà Nẵng, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Công thương, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố hoặc qua đường dây nóng của Năm Doanh nghiệp. Những vấn đề liên quan, DN liên hệ làm việc trực tiếp với các sở, ngành; nếu vượt quá thẩm quyền có thể báo cáo lên thành phố trong thời gian sớm nhất.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.